Có những buổi sớm mai, con yêu thức dậy khóc ngằn ngặt, đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi, không chịu ăn, chẳng chịu chơi. Bạn có thể bắt bệnh ngay lý do, tối qua con ngủ không ngon giấc.
Nhưng có những ngày con thức dậy và liền “tỉnh như sáo”, đôi mắt trong veo, tròn xoe, tặng cho mẹ nụ cười toe toét, rồi rất bận bịu, quơ cái lục lạc, ném cái xúc xắc, ngắm nhìn ngón tay, cười và “cha, cha, cha” trò chuyện với mẹ mãi không chán. Đó là vì đêm qua con ngủ đủ giấc, ngủ sâu và liền mạch.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy, buổi sáng là thời điểm con vui vẻ, khám phá và học hỏi tinh anh, khỏe khoắn nhất so với các thời điểm khác trong ngày. Điều này chỉ có được khi bé có một giấc ngủ đủ, ngon và liền mạch vào đêm trước.
Cao hơn nhờ ngủ ngon
Tăng trưởng là một quá trình phức tạp đòi hỏi nhiều loại hóc môn kích thích các hoạt động sinh học trong máu, cơ, xương và các cơ quan khác. Các yếu tố tác động đến hóc môn tăng trưởng, nhân tố chính giúp chúng ta cao hơn, gồm có chế độ dinh dưỡng, căng thẳng và việc luyện tập. Tuy vậy, ở trẻ nhỏ, yếu tố quan trọng nhất lại chính là giấc ngủ. Hóc môn tăng trưởng ở trẻ em được phóng thích cả ngày, nhưng thời điểm mạnh mẽ nhất là khi bé đang ngủ.
Nếu giấc ngủ kém, việc sản xuất hormone tăng trưởng chậm lại, không đủ tiếp “năng lượng” cho quá trình tăng trưởng tự nhiên của cơ thể trẻ. Kết quả, trẻ phát triển chậm hoặc phát triển kém.
Nhu cầu ngủ không giống nhau ở mỗi trẻ và càng khác nhau theo độ tuổi. Tuy nhiên, về cơ bản, bạn cần đảm bảo cho con số giờ ngủ theo khuyến cáo dưới đây:
Ngủ ngon giúp não bộ hoạt động tốt hơn
Các chuyên gia về giấc ngủ đến từ University of Wisconsin School of Medicine and Public Health, Mỹ, cho biết, giấc ngủ ngon sẽ giúp bé học hỏi và khám phá tốt hơn vào ngày hôm sau. Khi chúng ta thức và học hỏi, các synap thần kinh trong não kết nối các tế bào thần kinh sẽ hoạt động tối đa và tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Khi bé ngủ, các khớp thần kinh này hoạt động ít hơn, não có thể tiết kiệm năng lượng, được nghỉ ngơi, tái tạo và sẵn sàng để bé học hỏi tốt nhất vào sáng hôm sau.
Một nghiên cứu trên tạp chí New York cũng khẳng định, trẻ ngủ ngon có chỉ số thông minh cao hơn những trẻ ngủ kém. Trẻ thiếu ngủ cũng khó tập trung, dễ bị ốm yếu do suy giảm hệ miễn dịch và không hứng thú với việc tìm tòi, khám phá thê giới rộng lớn xung quanh.
Mỗi đêm ngon giấc, mỗi sáng tinh anh
Để giúp bé ngủ ngon và liền mạch suốt đêm, cần loại trừ hết những yếu tố quấy rầy giấc ngủ của bé. Đây là vài mách nhỏ cùng các bậc cha mẹ:
– Cho con đi ngủ vào giờ nhất định, khi bé bắt đầu có dấu hiệu thèm ngủ như mệt mỏi, không muốn chơi đồ chơi hay đùa giỡn, ngáp, cáu kỉnh, mắt nhìn chăm chăm vào một vị trí. Bạn có thể mát-xa nhẹ nhàng cho bé 15 phút trước khi đi ngủ giúp bé ngủ dễ hơn.
– Đảm bảo phòng ngủ của bé tối, êm dịu, không tiếng ồn khiến bé giật mình và cũng không có vật sắc nhọn dưới giường gây đau cho bé trong khi ngủ.
– Đảm bảo đủ lượng calo trong các bữa ăn để bé không phải thức dậy vì đói bụng. Nếu bé đòi thức dậy giữa đêm bú sữa, bạn chỉ nên bật đèn mở để sau khi nạp năng lượng, bé ngủ lại dễ dàng hơn.
– Nhiệt độ trong phòng không nóng quá hay lạnh quá. Bạn nên duy trì trong khoảng 25 – 28 độ C là tốt nhất. Bạn cũng không quấn bé quá chặt trong những lớp khăn, quần áo, đơn giản vì bạn nghĩ con sẽ lạnh khi ngủ.
– Nếu bé đau do mọc răng, viêm tai giữa, bé sẽ quay khóc suốt đêm. Bạn có thể hỏi bác sỹ cho bé dùng thuốc giảm đau phù hợp theo độ tuổi.
– Một nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé khó chịu, thức giấc là do tã ướt hoặc bẩn. Kiểm tra tã là việc đầu tiên bạn nên “nghi ngờ” khi con bất chợt thức giấc và quấy khóc. Do bé vệ sinh nhiều lần trong đêm, bạn nên chọn loại tã có khả năng thấm hút thật tốt, khô thoáng suốt cả đêm.
Chỉ khi có một giấc ngủ ngon, liền mạch, bộ não của bé mới có thể tái tạo năng lượng, hormone tăng trưởng có điều kiện thuận lợi để sản xuất tối đa. Nếu sau một đêm, bé thức dậy khỏe khoắn, vui vẻ, ham khám phá, bạn có thể tự tin rằng, con đã có giấc ngủ ngon và đang lớn hơn, khôn thêm vào mỗi sớm mai thức dậy.