Dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ của người mẹ khi mang thai giúp cho bào thai lớn lên và phát triển đầy đủ và khỏe mạnh. Chất dinh dưỡng được cung cấp cho thai nhi từ ba nguồn: khẩu phần ăn của người mẹ, từ kho dự trữ các chất dinh dưỡng của mẹ như ở gan, xương, khối mỡ và từ quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng ở nhau thai.
Yếu tố nguy cơ đầu tiên gây thai nhi nhẹ cân là tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ trước khi mang thai. Đó là những người mẹ có chiều cao thấp dưới 145 cm, những người mẹ có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 18,5.
Cân nặng thai nhi phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn của mẹ. |
Yếu tố nguy cơ thứ hai là người mẹ có chế độ ăn không đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết, chế độ ăn không cân đối, không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi mang thai và đặc biệt là quá trình tăng cân của người mẹ trong quá trình mang thai dưới 7 kg.
Yếu tố nguy cơ thứ ba là sự kém phát triển của nhau thai do người mẹ thiếu dinh dưỡng trường diễn, làm cho bánh nhau nhỏ hơn bình thường và lượng máu đi qua nhau thai giảm đi rõ rệt. Sự phát triển của nhau thai có ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của bào thai trong tử cung vì nhau thai kiểm soát quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng, hormone và các chất cần thiết khác cho bào thai. Bánh nhau nhỏ đi làm cho quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng vào bào thai và các sản phẩm chuyển hoá ở bào thai bị giảm, do đó ảnh hưởng tới sự phát triển của bào thai.
Một số yếu tố khác cũng dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp như tuổi kết hôn của mẹ dưới 18 tuổi, khoảng cách sinh quá dày, những bà mẹ trong khi mang thai phải lao động nặng nhọc, không được nghỉ trước sinh đầy đủ. Các bệnh tật của người mẹ và việc đẻ thiếu tháng cũng góp phần làm cho tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp tăng cao.