Một lần đi dự tiệc của người bạn, chúng tôi gặp bé An Khuê, 5 tuổi, con của một chị nhân viên trong công ty. Bé khiến mọi người ngồi cùng bàn hôm đó rất ngạc nhiên vì ngồi ăn rất ngoan và ăn được hết các loại rau từ cà chua, dưa chuột, đến rau cải trong một món lẩu một cách ngon lành.
Khi mọi người hỏi: “Sao mẹ tập cho bé ăn rau hay vậy?”, chị Vân ở Long Biên, mẹ của bé cho biết: “Hồi trước, bé không thích ăn rau. Sau đó mình tập dần và giải thích cho con rằng nếu con không ăn rau sẽ bị táo bón, đau mông lắm. Từ đấy, bé ý thức được và rất chịu ăn. Có dạo, bé không thích ăn hành tây và rau cần. Thế là mình khuyến khích bé bằng cách nếu con ăn hành, mẹ sẽ thưởng cho con ly dưa hấu vì bé nhà mình rất thích uống trái cây. Sau khi ăn, bé thấy bình thường và ăn được. Thế là bé biết ăn hành và ăn cần tây luôn từ đó”.
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, việc khuyến khích chứ không bắt ép con ăn rau như chị Vân cũng là một cách tập cho bé ăn rau hiệu quả. Khi bạn khuyến khích, bé có thêm sự háo hức và sẽ thử ăn rau để đạt được điều mình thích. Khi ăn rồi, bé cũng sẽ thấy món này bình thường và từ đó sẽ tự ý thức được việc ăn rau. Còn khi bạn bắt ép, dọa nạt hay trừng phạt, bé sẽ liên tưởng giữa việc ăn rau và thái độ của bạn và có thể sẽ ghét ăn rau hơn.
Cho trẻ ăn rau như thế nào?
Rau xanh là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp tăng cường việc hấp thu chất dinh dưỡng ở trẻ.
Những loại rau sau đây rất cần thiết đối với trẻ như: các loại rau lá xanh đậm, xanh lục như bông cải xanh, rau bồ ngót, tần ô; của quả có màu vàng cam như cà rốt, bí ngô, cà chua, khoai tây; các loại đậu như đỗ xanh, đỗ đen, đậu Hà Lan.
Ở mỗi lứa tuổi, trẻ có nhu cầu về lượng rau và củ khác nhau. Với các bé trong độ tuổi ăn dặm, bạn có thể cho rau vào máy xay sinh tố, xay nhừ và đem nấu bột hoặc cháo cho bé.
Ở tuổi lớn hơn, lượng rau bé nạp vào cơ thể mỗi ngày theo khẩu phần sau
- Bé từ 2 đến 3 tuổi ăn một bát rau/ ngày.
- Bé 4 đến 8 tuổi ăn 1,5 bát rau/ ngày.
- Bé gái từ 9 đến 13 tuổi ăn khoảng 2 bát rau/ ngày, bé trai ăn 2,5 bát rau/ ngày.
- Bé gái từ 14 tuổi đến 18 tuổi ăn khoảng 2,5 bát rau/ ngày, bé trai ăn 3 bát rau/ ngày.
Ăn rau còn là một niềm vui
Bạn nên chế biến các loại rau này thành các món canh, xào, luộc để bé thay đổi khẩu vị. Khẩu phần rau trong các bữa ăn chính của bé. Ngoài ra, bạn nên chế biến và trình bày các món từ rau củ bắt mắt.
Bạn có thể làm từ rau củ trộn với mayonnaise, nhồi thịt vào đậu bắp, thịt nhồi cà chua hay canh thịt bằm cuộn với bắp lá cải. Bé không chỉ cảm nhận độ ngon của món bằng vị mà còn bằng mắt nữa. Ở nhà, bạn có thể cùng bé trồng và thu hoạch rau đem nấu. Bé sẽ có thêm niềm hứng thú khi ăn rau do chính mình trồng.
Tập ăn rau từ trong bụng mẹ
Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu Monell Chemical Senses, Mỹ cho thấy trẻ có thể hình thành thói quen ăn rau từ lúc trong bào thai. Chế biến rau, bạn nấu vừa chín để không làm mất các chất trong ra. Thai nhi có thể cảm nhận được mùi vị của thức ăn qua dịch ối và hình thành thói quen thích ăn rau khi lớn lên.
Để có kết quả trên, những nhà nghiên cứu chia các bà mẹ thành ba nhóm. Nhóm một uống nước ép cà rốt hàng ngày trong thai kỳ. Nhóm hai uống nước ép cà rốt trong thời kỳ cho con bú và nhóm thứ ba là không uống nước ép cà rốt.
Khi con của những phụ nữ trên bắt đầu ăn dặm, các bà mẹ cho trẻ ăn bột hòa với nước thường hoặc nước ép cà rốt. Kết quả, con của những bà mẹ ở nhóm một và hai ăn nhiều bột hòa nươc với cà rốt hơn nhóm còn lại. Do đó, khi mang thai, bạn nên ăn nhiều loại rau để tạo cho con quen với mùi vị các loại thức ăn từ trong bụng mẹ.