Nhu cầu dinh dưỡng và nghỉ ngơi của thai phụ luôn cần nhiều hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn của thai kỳ cũng cần có chế độ dinh dưỡng cụ thể, phù hợp giúp mẹ và bé đều khỏe.
Đầu thai kỳ – chú ý thực phẩm thúc đẩy phát triển thần kinh thính lực của thai nhi
Thần kinh thính lực của thai nhi bắt đầu dần dần phát dục từ tuần thai thứ 8. Do đó, lúc này mẹ cần chú ý bổ sung nhiều loại vitamin cần thiết. Hằng ngày, ngoại trừ phải đảm bảo dung nạp các loại thịt, trứng, tôm, cá, sữa, bạn nên ăn thêm nhiều các loại rau củ quả đa dạng về màu sắc.
Ngoài ra, mẹ nên giữ tinh thần thoải mái và có thói quen sinh hoạt khoa học. Khoa học đã chứng minh, những thói quen sống của mẹ có khả năng di truyền nhất định cho trẻ khi sinh ra.
Giữa thai kỳ – chú trọng bổ sung canxi
Đây là giai đoạn phát triển hoàn thiện các bộ phận cơ thể của thai nhi, bao gồm não, tứ chi, răng, xương, gan v.v… Do đó, giai đoạn giữa thai kỳ ngoài việc cần bổ sung lipit, protein, đường, khoáng chất, vitamin thì mẹ còn phải chú trọng việc bổ sung canxi. Khẩu phần ăn nên tăng cường các thực phẩm như táo đỏ, đậu xanh, hạt điều, sữa bò v.v…
Đáng lưu ý là theo sự lớn dần của thai nhi thì nhu cầu ăn uống của mẹ cũng tăng lên. Thời kỳ này nếu mẹ ăn uống không đủ chất và hợp lý sẽ dễ mắc chứng tiểu đường trong thai kỳ. Do đó việc cân bằng dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Theo các chuyên gia, bà bầu có thể phán đoán mức độ dinh dưỡng hợp lý dựa vào sự tăng trọng mỗi tuần của cơ thể. Thông thường mỗi tuần tăng khoảng 0.5kg là lý tưởng nhất.
Cuối thai kỳ – bổ sung nhiều thực phẩm giàu khoáng chất
Đây là giai đoạn phát triển hoàn thiện của phổi, tim, dạ dày, đường ruột trong cơ thể thai nhi. Sự sinh trưởng của thai nhi cũng tăng nhanh trong thời điểm này, do đó nhu cầu về năng lượng cũng nhảy vọt. Để đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và bé, bạn cần tăng cường thực phẩm giàu các khoáng chất, đặc biệt là sắt và canxi. Thức ăn có chứa nhiều hai nguyên tố này có thể lựa chọn như gan động vật, lòng đỏ trứng, cá biển, tôm, sữa bò v.v…
Ngoài ra, do thai khá lớn nên hoạt động của mẹ sẽ trở nên bất tiện và khó khăn hơn. Lúc này, mẹ cần tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cho cơ thể để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn đón bé yêu. Mỗi ngày hai buổi sáng và chiều, bạn có thể đi tản bộ trong không gian rộng rãi, trong lành để tăng cường trao đổi chất cho cơ thể.
Làm gì nếu mẹ thường khó ngủ khi bầu bí
Ngoài việc đảm bảo và cân bằng dinh dưỡng trong từng giai đoạn thai kỳ, việc ngủ nghỉ của mẹ cũng là vấn đề đáng quan tâm. Do các triệu chứng trong thai kỳ, cùng với sự lớn dần của thai nhi, mẹ thường rất khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Để khắc phục, trong suốt thai kỳ, mẹ nên lưu ý những nguyên tắc sau đây để cải thiện giấc ngủ.
– Tránh các chất kích thích như cafe, trà, nước có gas, nếu thực sự thèm thì nên uống vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ trưa dậy và chỉ uống một lượng nhỏ.
– Trước khi ngủ không uống nhiều nước hoặc các món canh súp.
– Tập thói quen ngủ có quy luật, không làm chuyện khác trên giường ngủ ngoài việc đọc sách hay nghe nhạc thư giãn. Ngoài giờ ngủ thì thời gian khác lại không nên lười biếng nằm ì trên giường.
– Trước khi ngủ không nên vận động mạnh, có thể ngâm chân với nước ấm khoảng 15 phút để thư giãn. Ngoài ra, có thể uống một ly sữa trước khi ngủ khoảng hai tiếng.
– Thời gian ngủ trưa rất quan trọng, không nên ngủ lúc chiều tối. Ngủ trưa khoảng 10 – 15 phút sẽ giúp đầu óc tỉnh táo, nhưng nếu có điều kiện, tốt nhất mẹ bầu nên ngủ trưa khoảng 90 phút là lý tưởng.