Ở giai đoạn trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3, bà bầu ăn uống trở lại bình thường, hết ốm nghén, cảm giác ăn ngày càng ngon miệng và ăn được nhiều. Đây là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh. Thức ăn cho bà bầu ở giai đoạn này cũng phong phú, mẹ có thể ăn tất cả các loại thức ăn, đảm bảo đầy đủ thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, chất tinh bột, chất xơ, muối khoáng và vitamin. Thức ăn cần lấy từ nguồn cung cấp sạch, các loại thức ăn tươi, không nên dùng những loại thức ăn để lâu, đóng hộp hay đóng chai mà không có nhãn hiệu rõ ràng, các loại thức ăn có phẩm màu. Sau khi chế biến thức ăn, nên ăn ngay, không nên để qua đêm.
Những bà bầu có tiền căn các bệnh về nội khoa đi kèm nên chú ý về chế độ ăn uống: bà bầu bị đái tháo đường thì tránh ăn ngọt, bà bầu bị tăng huyết áp thì tránh ăn mặn. Những bà bầu có cơ địa dị ứng thức ăn nào thì không nên ăn thức ăn đó dưới cả dạng nguyên chất hay pha chế.
- Ở tam cá nguyệt 2 và 3 thai nhi tăng trưởng mạnh nên rất cần can xi, và sắt. Mẹ bầu nên bổ sung:
- Các loại thức ăn có nhiều can xi như hải sản, tôm, cua, ghẹ, nghêu, sò, hến, trứng, sữa.
- Các loại thức ăn có nhiều sắt: các loại thịt động vật có máu đỏ như: thịt heo, thịt bò, thịt dê và các loại rau xạnh đậm.
- Cần uống đủ nước mỗi ngày, trung bình 1,5 – 2 lít nước lọc hay hơn tùy thuộc môi trường và hoạt động hàng ngày của mẹ,….
Trong suốt thời gian mang thai, mẹ lưu ý cần đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa, từ đó mẹ biết được sự tăng cân của mình cũng như sự tăng cân của thai nhi. Trường hợp tăng cân quá mức thì mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn, bớt ăn tối và ăn khuya, giảm uống sữa. Trường hợp mẹ tăng cân ít, cân nặng của thai nhi nhẹ hơn so với tuổi thai thì nên tăng cường việc ăn cho mẹ và các bác sĩ thường khuyến cáo chế độ ăn cho bà bầu: nên ăn thêm bữa tối và bữa khuya, uống sữa nhiều hơn, trong khẩu phần ăn, tăng ăn thịt và rau xanh, kết hợp với uống nhiều nước.