Đông về đem theo những cơn gió lạnh buốt cắt da cắt thịt, nhiệt độ tăng giảm đột ngột, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn có hại phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Các bệnh thường gặp nhất vào mùa đông đó là: Cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp, ho…Dưới đây là một số lời khuyên giúp các mẹ phòng chống bệnh mùa đông cho trẻ.
- Viêm phế quản:
Bệnh viêm phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi… Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi, ăn uống bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.
- Viêm tiểu phế quản:
Viêm tiểu phế quản là tình trạng sưng và chất nhầy tích tụ trong đường dẫn khí phổi nhỏ nhất. Bệnh xảy ra do một loại vi rút phát triển mạnh vào mùa thu đông, có ảnh hưởng đến trẻ em, chủ yếu dưới hai tuổi. Vi rút thường lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi và họng của người mang vi rút. Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú ít, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị.. Mẹ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, không hôn trẻ. Nếu trẻ bị sổ mũi, nên thường xuyên hút và rửa mũi bằng dung dịch sinh lý nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập xuống khí phế quản. Không cho trẻ tiếp cận với những người đang bị sổ mũi hoặc dùng chung đồ dùng của trẻ khác.
- Viêm họng:
– Trong mùa đông, bệnh viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột và tiến triển rất nhanh. Người bị viêm họng cấp thường sốt cao 39-40 độ; Khô nóng trong họng; Đau rát cổ họng và ho khan; Tắc mũi, chảy nước mũi… Viêm họng cấp thường diễn biến trong 3-4 ngày. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, viêm họng cấp sẽ thuyên giảm dần. Tuy nhiên, nếu sức đề kháng không đủ, bội nhiễm người bệnh có thể gặp các biến chứng như: viêm tai, viêm mũi,… và viêm phế quản.
- Cảm mạo:
Thường biểu hiện dưới dạng dị ứng mũi. Người bệnh hắt xì thành cơn dài liên tục, kèm theo chảy nhiều nước mũi trong và lỏng, không sốt. Có thể dùng một số thuốc chống dị ứng thông thường như Phenergan, Chlopheniramin, Theralen… trong vài ngày là hết.
- Viêm mũi:
Bệnh thường xuất hiện sau khi bị nhiễm lạnh, có triệu chứng ngứa lỗ mũi (trẻ hay dụi tay lên mũi) và chảy nước mũi nhiều, có thể sốt hoặc không. Ở trẻ còn bú, khi bị viêm mũi thường gây khó chịu, ngủ không yên giấc, nghẹt mũi gây thở khò khè, thường phải thở bằng miệng và phải ngưng lại nhiều lần để thở khi bú. Hiện tượng viêm mũi tái đi tái lại nhiều lần có thể là dấu hiệu của bệnh V.A, Amiđan.
- Viêm đường hô hấp:
Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại vi rút dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ và phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ, nhất là hệ hô hấp làm cho trẻ bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi.Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Trẻ có thể sốt cao đột ngột, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ… Mẹ nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Không nên cho trẻ đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước.