Dinh dưỡng khi mang thai vô cùng quan trọng. Trong thai kỳ bà bầu nên thường xuyên ăn những món cháo bổ dưỡng để tốt cho sức khỏe của mẹ và con nhé.
Cháo tôm cua
Từ lâu món cháo tôm cua được biết đến là món ăn thơm ngon, đầy dinh dưỡng không chỉ tốt cho trẻ nhỏ, mà nó còn là món ăn an thai cho bà bầu cực tốt đấy nhé.
Nguyên liệu
- Gạo dẻo: 200g
- Tôm tươi: 350g
- Cua thịt: 2 con
- Mỡ gáy heo: 45g
- Cá thác lác nạo: 200g
- Hành tím: 100g
- Tỏi: 2 nhánh
- Hành lá, rau ngò
- Gia vị đầy đủ: Mắm, muối, mì chính, dầu ăn,…
Hướng dẫn
- Gạo vo sạch, rồi cho vào nồi + một chút nước luộc qua cho hạt gạo nở búp là được, rồi cho gạo ra rá để ráo nước.
- Tôm bạn đem bóc bỏ vỏ, bỏ đầu, bỏ phần chỉ lưng đi. Sau đó cho tôm vào ngâm với nước muối loãng để tôm cứng hơn và giúp giảm mùi tanh. Như vậy mới là cách nấu cháo tôm cua cho bà bầu đúng cách, không bị tanh chuẩn nhất.
– Khi tôm ngâm đủ thời gian, bạn đem tôm rửa lại bằng nước sạch. - Cua thịt đem gỡ mai, dùng tăm gẩy phần gạch cua để riêng vào bát con. Sau đó cho cua vào nồi luộc chín rồi vớt ra đĩa để nguội, rồi tách lấy thịt. (Nhớ để nguyên nước luộc cua để nấu cháo nhé).
- Mỡ gáy bạn đem rửa sạch, thái nhỏ hạt lựu.
- Hành tím bóc bỏ vỏ, thái lát mỏng.
- Tỏi bỏ bỏ vỏ, băm nhỏ.
- Hành lá, rau ngò rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 1: Sau khi tôm đã ráo nước, bạn cho vào cối giã nát, nhuyễn, rồi cho cá thác lác + 1/2 thìa cà phê muối + 1/2 thìa cà phê bột ngọt + tỏi băm nhỏ + 1/3 số hành thái lát mỏng, rồi tiếp tục giã cho đến khi tất cả các nguyên liệu quánh lại, giã có cảm giác hơi nặng tay là được.
– Sau đó bạn tiếp tục cho thêm + mỡ gáy thái hạt lựu + thịt cua + gạch cua, giã lại một lần nữa khoảng chừng 5 phút.
Bước 2: Tiếp tục thực hiện cách nấu cháo tôm cua ngon tuyệt cho mẹ bầu:
– Cho thêm nước vào nồi nước luộc cua sao cho áng chừng đủ 2,5l nước là được. Sau đó lại bắc nồi lên bếp đun sôi rồi cho thêm gạo + 4 thìa súp nước mắm + 1 thìa cà phê đường + 1 thìa cà phê bột ngọt + 1/2 thìa cà phê hạt tiêu + 2/3 số hành tím còn lại, rồi khuấy đều, đậy nắp và đun tới khi cháo chín là được.
Bước 3: Hoàn thiện cách nấu cháo tôm cua thơm ngon, dinh dinh cho bà bầu:
– Khi cháo chín, hạt gạo nở mềm, bạn cho hỗn hợp tôm cua vào nồi cháo và tiếp tục đun với lửa nhỏ đến khi nào hỗn hợp tôm cua chín sẽ nổi lên bề mặt cháo.
– Cuối cùng, bạn nên lại gia vị một lần nữa cho vừa miệng ăn, rồi múc cháo ra bát + hành, ngò rắc lên trên để trang trí và thưởng thức ngay thôi nào
Cháo cá chép
Cháo cá chép rất phổ biến với bà bầu vì nó giúp an thai và làm da dẻ thai nhi hồng hào hơn.
Nguyên liệu
– 1 con cá chép còn sống khoảng 0,5kg.
– Gạo tẻ 1/3 bát ăn cơm.
– 1 nắm gạo nếp.
– Gia vị, mì chính, hạt nêm.
– 4 củ hành khô.
– Lá ngải tươi.
– Rau mùi ta, thì là.
Hướng dẫn
Bước 1: Cá chép rửa sơ qua (không được rửa hết nhớt của cá), không được mổ tránh làm mất máu cá (máu cá chép rất bổ cho bà bầu) rửa sạch khu vực mang cá.
Bước 2: Luộc cá đến khi nước sôi, hớt bọt cho trong nước, hạ lửa cho liu riu khoảng 40’ cho cá chín đều thì vớt ra, gỡ lấy thịt cá, bóp nhuyễn.
Bước 3: Nước luộc cá để lắng, gạn lấy nước trong, đun sôi cho ít gia vị rồi cho gạo nếp, gạo tẻ vào nấu thành cháo. Chú ý nước sôi cho gạo vào đợi nước sôi lại thì hạ lửa nấc bé nhất, không được ngoáy thì cháo sẽ tự chín mà không bị khê. Hầm gạo khoảng 1 giờ là chín.
Sau khi sơ chế các nguyên liệu trên, để có món cháo cá chép thành phẩm chúng ta có 2 cách như sau:
Cách 1: Đối với những người ăn được đồ tanh (tức là không nghén): Cháo chín ta thả phần thịt cá đã gỡ sạch xương răm vào nồi cháo, đảo đều, nêm nếm gia vị rồi thả rau ngải vào cho lá ngải chín thì có thể ăn được.
Cách 2: Đối với các bà mẹ đang nghén (mà nghén thì hay sợ mùi tanh): 4 củ hành khô ta bằm nhỏ, cho dầu ăn vào chảo đợi cho sôi phi thơm hành lên xào thịt cá cho săn, trong lúc xào nhớ nêm ít gia vị. Sau đó trút vào nồi cháo đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Rau mùi và thì là thái nhỏ, khi nào ăn rắc vào cháo cá.
Cháo lươn
Cháo lươn có tác dụng mát cho cơ thể, tránh chảy máu cam.
Nguyên liệu
– 300g lươn tươi sống.
– 1/3 bát gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp.
– Nước dùng (nước hầm xương, nước luộc gà).
– Gia vị, hạt nêm.
– Hành khô 3 củ.
– Mùi ta, thì là, rau răm.
Hướng dẫn
Bước 1: Lươn không được mổ mà chỉ rửa sạch nhớt, luộc chín, gỡ lấy thịt và cục máu trong bụng lươn (cục máu này là thứ bổ nhất của con lươn), phi thơm hành khô bằm nhỏ rồi xào thịt lươn, nêm ít gia vị.
Bước 2: Xương lươn giã nát lọc lấy nước, hòa cùng nước luộc lươn, nước dùng, thêm gia vị để nấu cháo (cách nấu cháo gạo như nấu cháo cá chép).
Bước 3: Cháo chín thả thịt lươn xào thơm vào trộn đều.
Bước 4: Rau thơm thái nhỏ, lúc ăn rắc vào cháo.
Cháo thập cẩm
Loại cháo này là nguồn dinh dưỡng phong phú. Táo tàu chứa nhiều dinh dưỡng: vitamin C, protein. Nho khô có công dụng bổ khí, bổ máu, an thai. Hạt đào bổ não, có lợi cho trí óc, hạt kê chứa nhiều vitamin B2. Thai phụ ở thời kỳ đầu ăn loại cháo này sẽ thu được chất dinh dưỡng toàn diện, có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Nguyên liệu
– 200g hạt kê.
– 100g gạo.
– 50g đậu xanh.
– 50g đậu phộng.
– 50g táo tàu.
– 50g hạt đào.
– 50g nho khô.
– Một lượng đường đỏ thích hợp.
Hướng dẫn
Bước 1: Kê, gạo, đậu xanh, đậu phộng, táo tàu, hạt đào, nho khô vo, rửa sạch.
Bước 2: Đậu xanh cho vào nồi, thêm một ít nước, nấu mềm; sau đó tiếp tục cho thêm nước sôi vào.
Bước 3: Cho kê, gạo, đậu phộng, táo tàu, hạt đào, nho khô vào, thêm đường đỏ, trộn đều, nấu đến khi chín mềm là ăn được