Viêm họng mủ là một dạng bệnh viêm họng, do bệnh viêm họng cấp biến thể. Viêm họng mủ cũng có nhiều biểu hiện giống bệnh viêm họng thông thường, nhưng điểm dễ nhận biết nhất đó là khi quan sát sẽ thấy ở bề mặt họng có các hạt mủ trắng. Căn nguyên có thể là virus hoặc vi khuẩn gây ra.
1.Nguyên nhân khiến bé bị viêm họng mủ?
Vệ sinh kém
♦ Vệ sinh cá nhân cho trẻ kém. Đây chính là nguyên nhân khiến cho bé bị viêm họng mủ dễ xuất hiện. Không gian sống bị ô nhiểm, như ô nhiễm nguồn nước, không khí, không khoa học cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ có nguy cơ lớn phải đối mặt với chứng bệnh viêm họng mủ.
Thiếu dưỡng chất cho cơ thể
♦ Các chất dinh dưỡng cung cấp cho trẻ không hợp lý cũng khiến cho cơ thể trẻ không có sức đề kháng tốt nhất để có thể phòng và kháng lại bệnh khi bé bị viêm họng mủ. Dùng chung các đồ cá nhân với người mắc bệnh viêm họng chính là nguyên nhân và là cách đơn giản nhất bệnh viêm họng mủ ở trẻ em dễ xuất hiện.
Không được khám sức khỏe định kì
♦ Đối với trẻ nhỏ việc thăm khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng để sớm phát hiện các chứng bệnh sau đó hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên do không được thăm khám thường xuyên nên khi bé bị viêm họng mủ rất dễ chuyển thành bệnh nghiêm trọng.
2.Triệu chứng viêm họng mủ ở trẻ
Sốt cao là biểu hiện thường thấy của bênh (Ảnh minh họa)
- Trẻ mệt mỏi, hạn chế vận động chỉ muốn nằm li bì
- Sốt cao từ 38-40 độ C, một số trường hợp nghiêm trọng có thể trên 40 độ C vô cùng nguy hiểm.
- Với trẻ nhỏ giai đoạn từ 1-3 tuổi khi bị viêm họng có mủ thường bị quấy khóc, bỏ ăn, các mẹ dễ nhầm với trường hợp lên răng.
- Hốc amidan và họng quan sát thấy các mủ trắng, bao quanh niêm mạc họng.
- Xuất hiện hạch hai bên mang tai, ấn vào đau.
- Xét nghiệm thấy bạch cầu trung tính tăng cao.
- Hơi thở hôi, mùi nồng khó chịu
- Họng sưng đỏ, kèm theo ho khan hoặc có đờm
- Nuốt đau, khó ăn khó uống.
3.Viêm họng mủ có nguy hiểm không? Nó có những biến chứng gì?
Không nên quá lo lắng khi trẻ bị viêm họng mủ. Đa số trường hợp nếu được điều trị kịp thời, chăm sóc đúng cách thì triệu chứng viêm họng mủ có thể được đẩy lùi dễ dàng.
Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ một số trường hợp trẻ bị viêm họng mủ là do vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây ra có thể gây ra một số biến chứng bệnh viêm họng mủ nguy hiểm như:
- Biến chứng tại chỗ: Áp xe họng, viêm tấy quanh amidan.
- Biến chứng gần: Viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa hoặc lan tràn xuống tận thanh quản, khí quản, phổi và gây viêm nhiễm ở các bộ phận này.
- Biến chứng toàn thân: Viêm cầu thận, thấp khớp, thấp tim,…
4.Điều trị viêm họng mủ cho trẻ
Nếu trẻ có dấu hiệu viêm họng mủ các mẹ cần chú ý:
- Không cho trẻ ăn thức ăn cứng; dùng thức ăn đồ uống lạnh, quá mặn hoặc quá chua dễ khiến niêm mạc họng bị tổn thương.
- Mặc áo quần thông thoáng, thực hiện các biện pháp hạ sốt như chườm khăn; hoặc có thể dùng các loại thuốc hạ sốt cho trẻ không cần kê đơn. Nếu trời lạnh cần giữ ấm cho bé, đặc biệt là vùng cổ.
- Vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối ấm pha loãng hay nước muối sinh lý.
- Cho bé ăn uống đủ chất, bảo vệ đường thở cẩn thận.
Thường sau khoảng 3 – 4 ngày triệu chứng viêm họng mủ sẽ tự thoái lui và khỏi hẳn. Tuy nhiên, trường hợp khi thực hiện không thấy biểu hiện thuyên giảm, trẻ sốt quá cao không hạ,… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở chuyên khoa để khám chữa kịp thời đề phòng biến chứng nguy hiểm do vi khuẩn gây ra.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc trị viêm họng mủ tại nhà khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý
- Tuyệt đối không được lơ là bệnh viêm họng mủ ở trẻ em. Nếu đã chăm sóc trẻ đúng cách song biểu hiện bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì các mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để xác định được nguyên nhân và có phương án chữa trị hiệu quả nhất.
- Không được tự ý mua thuốc trị viêm họng mủ cho trẻ tại nhà, dễ dẫn đến các mối nguy hại khó lường đối với sức khỏe trẻ.