Tình trạng đau bụng lâm râm khi mang thai 4 tháng khiến không ít mẹ cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Vậy bầu 4 tháng đau bụng lâm râm do đâu? Có nguy hiểm không và làm thế nào để khắc phục? Mời bạn đọc theo dõi nội dung dưới đây để có câu trả lời.
Mục lục
Bầu 4 tháng đau bụng lâm râm là do đâu?
Đau bụng lâm râm khi mang thai tháng thứ 4 là tình trạng diễn ra khá phổ biến. Theo các chuyên gia sản khoa, nguyên nhân có thể do:
Mẹ bị giãn dây chằng
Bước sang tháng thứ 4, thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng, kích thước tử cung cũng tăng theo, làm tăng áp lực lên hệ thống dây chằng ở vùng chậu, khiến mẹ có cảm giác đau bụng dưới. Trong nhiều trường hợp, cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi mẹ thay đổi tư thế đột ngột, ho hoặc hắt hơi.
Táo bón
Sự gia tăng kích thước của tử cung và thai nhi cũng tạo sức ép lên thành ruột, làm tăng nguy cơ táo bón ở mẹ bầu. Đồng thời, trong thai kỳ, nồng độ hormone Progesterone tăng cao cũng khiến ruột và cơ trơn thực quản giãn ra, làm giảm hiệu quả của quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Từ đó gây ra những cơn co thắt tại vùng bụng, khiến mẹ bị đau bụng.
Tích tụ mỡ thừa
Do sự thay đổi về nội tiết và chế độ dinh dưỡng nên mẹ bầu cũng rất dễ bị tích mỡ, đặc biệt ở vùng bụng và hông. Điều này có thể khiến vùng da tại đây bị căng tức, gây cảm giác khó chịu kèm theo đau bụng lâm râm.
Bầu 4 tháng đau bụng lâm râm có nguy hiểm không?
Bước qua tam cá nguyệt thứ nhất, về cơ bản thai kỳ của mẹ đã có sự ổn định hơn. Hầu hết các trường hợp đau bụng lâm râm ở tháng thứ 4 đều là hiện tượng sinh lý bình thường, không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, mẹ không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần hết sức cảnh giác nếu bị đau bụng dưới kèm theo các biểu hiện dưới đây:
- Đau liên lục, kéo dài, gia tăng cả về tần suất và mức độ
- Đau bụng dữ dội
- Ra máu âm đạo
- Kèm theo sốt, buồn nôn, nôn mửa…
Các dấu hiệu trên có thể là dấu hiệu của các tình trạng bất thường như sảy thai, sinh non, mang thai ngoài tử cung, nhiễm trùng đường tiểu… Trong trường hợp này, mẹ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín ngay lập tức để thăm khám, áp dụng biện pháp can thiệp phù hợp, đảm bảo sức khỏe, an toàn.
Khắc phục đau bụng khi mang thai bằng cách nào?
Tùy vào nguyên nhân cụ thể, tình trạng đau bụng khi mang thai có thể được khắc phục bằng những cách khác nhau. Dưới đây là một số mẹo mẹ có thể tham khảo để giảm bớt cảm giác khó chịu:
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Chia nhỏ các bữa ăn: Việc chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày sẽ giúp quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất, giảm bớt áp lực cho ruột và dạ dày, đồng thời giảm đầy bụng, khó tiêu.
Tăng cường bổ sung chất xơ: Thường xuyên bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi và các loại ngũ cốc nguyên hạt để cải thiện hoạt động tiêu hóa, hạn chế nguy cơ táo bón khi mang thai.
Uống đủ từ 2 lít nước mỗi ngày: Nước là thành phần quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể. Uống đủ nước sẽ giúp các cơ quan hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy hoạt động trao đổi chất, hạn chế táo bón.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống cân bằng, đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là các dưỡng chất quan trọng cho thai kỳ như protein, sắt, canxi cùng các vitamin và khoáng chất để đảm bảo sức khỏe và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Xem thêm: Top thực phẩm giàu sắt tốt cho mẹ bầu
Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
Tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp: Việc duy trì thói quen tập luyện không chỉ giúp mẹ cải thiện sức khỏe, tăng sức bền mà còn giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn, góp phần mang lại một thai kỳ khỏe mạnh. Mẹ có thể thử sức với các bộ môn như đi bộ, yoga, bơi lội… và cần lưu ý không tập luyện quá sức, khởi động thật kỹ để tránh chấn thương.
Tham khảo thêm: Bài tập hỗ trợ giảm đau cho bà bầu
Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột: Khi muốn đứng lên hoặc ngồi xuống, mẹ nên thực hiện chậm rãi, nhẹ nhàng để tránh những cơn đau không mong muốn. Ngoài ra, khi muốn ho hoặc hắt xì, mẹ cũng có thể dùng tay đỡ phần bụng dưới, tránh tác động nhiều lên khu vực này.
Đi tiểu theo nhu cầu, không nhịn tiểu, tránh bụng bị căng tức và ảnh hưởng đến thận.
Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích… bởi chúng không tốt cho sức khỏe và thai kỳ của mẹ.
Lời kết:
Tình trạng đau bụng khi mang thai tháng thứ tư diễn ra khá phổ biến và hầu như không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đau bụng dữ dội hoặc xuất hiện kèm theo các bất thường như ra máu âm đạo, sốt, nôn mửa… mẹ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và can thiệp ngay lập tức. Hơn hết, hãy duy trì chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh, kết hợp thường xuyên theo dõi sức khỏe, thăm khám định kỳ để có một thai kỳ khỏe mạnh.