Hỏi: Tôi đang mang thai tháng thứ 4 thì phát hiện bị cường giáp (Basedow). Bác sĩ bảo nếu không điều trị thì sẽ ảnh hưởng đến cả 2 mẹ con và có kê thuốc uống nhưng không đảm bảo thuốc không có ảnh hưởng đến thai nhi (có vẻ như khuyên tôi bỏ thai). Tôi đang rất hoang mang không biết thế nào. Hãy cho tôi lời khuyên?
Trả lời: Bệnh Basedow (còn được gọi là bệnh Graves) thường xảy ra ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản. Do đó, một số người bệnh sẽ phải trải qua quá trình mang thai kèm với bệnh đồng thời. Việc điều trị bệnh này chính yếu phải dựa vào các thuốc uống, gọi chung là các thuốc kháng giáp tổng hợp (KGTH).
Do có nhiều bệnh nhân giống như bạn nên thuốc này đã được sử dụng khá nhiều và kết quả cho thấy thuốc có hiệu quả tốt, an toàn trong khi mang thai, cho cả cho mẹ và con. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các thuốc khác, việc sử dụng trong thời gian mang thai phải hết sức cẩn thận, chỉ định đúng và liều dùng tối thiểu, không chỉ bởi vì ảnh hưởng của thuốc mà còn vì tình trạng cường giáp phải được điều chỉnh thật tốt, tránh để còn tình trạng cường giáp hoặc chuyển sang trạng thái suy giáp do thuốc bởi hai trạng thái này gây rất nhiều tác hại trên thai nhi.
Bệnh cường giáp, nếu không được điều trị đúng, sẽ nguy hiểm tới sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, đây không phải là lý do phải bỏ thai. Xin nhấn mạnh là “không có chỉ định bỏ thai nếu bị cường giáp”.
Ở hầu hết các nước, việc bỏ thai được qui định rất chặt chẽ, không thể tùy tiện được và cường giáp không nằm trong các chỉ định bỏ thai. Việc quan trọng nhất là điều trị tình trạng cường giáp cho thật ổn định trong suốt thai kỳ và đặc biệt chú ý là thời gian sau sinh vì bệnh rất hay tái phát và nặng lên ở giai đoạn này, còn sản phụ sau sinh lại ít muốn đi khám bệnh.
Biện pháp cơ bản và phổ biến là dùng thuốc KGTH. Nhiệm vụ chính của bác sĩ là kê toa loại thuốc phù hợp, theo dõi và điều chỉnh liều đúng để khắc phục tình trạng cường giáp, đảm bảo ổn định sức khỏe cho mẹ và do đó cho cả con.
Giai đoạn bào thai rất quan trọng với trẻ và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ sức khỏe và cả tinh thần của người mẹ. Bên cạnh việc uống thuốc và tái khám theo dõi, người mẹ cần chú ý chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống, hạn chế những căng thẳng, lo âu…
Bệnh cường giáp làm thai kỳ trở nên khó khăn hơn nhưng với những biện pháp điều trị đúng và sự nỗ lực của người mẹ cùng sự hỗ trợ từ người thân, hành trình sẽ cập bến an toàn, “mẹ sẽ tròn, con sẽ vuông”.
ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG – Giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM