Tôi sinh con đầu lòng ở tuổi 40. Không thể nói hết nỗi lo lắng của tôi trong thời kỳ thai nghén, mặc dù tôi thường xuyên đến bệnh viện để xét nghiệm, tầm soát dị tật thai nhi và kết quả cho thấy nguy cơ thấp.
Lúc mang thai, ngoài những ngày quá mệt mỏi, tôi vẫn đi làm và làm việc nhiều hơn bình thường. Thời gian đó, tôi đang làm trưởng một đài truyền thanh huyện của tỉnh Đồng Nai nên ngoài việc điều hành, quản lý, tôi vẫn tham gia viết tin, bài cùng anh em phóng viên. Những lúc ngồi đánh văn bản trên máy vi tính, tôi thường mở nhạc nhè nhẹ để cả hai mẹ con cùng thưởng thức. Tôi thường xuyên trò chuyện với con. Bất kể vui, buồn, căng thẳng và cả giận dữ, tôi đều chia sẻ với bé: “Con ơi, mẹ buồn quá” hay “Con ơi, hôm nay mẹ thật căng thẳng”… Thực lòng, tôi coi bé như người bạn, tôi muốn bé hiểu được tất cả những gì diễn ra trong tâm hồn của mẹ để sau này ra đời bé không cảm thấy lạ lẫm, ngạc nhiên trước các trạng thái tâm lý, tình cảm của người lớn và bé sẽ xử lý tình huống trong cuộc sống tốt hơn. Suốt thời gian mang thai, trừ ba tháng nghén, tôi ăn uống bình thường, nhưng hằng ngày tôi đều uống nước dừa tươi vì được biết trong nước dừa có rất nhiều dưỡng chất.
Con tôi ra đời. Bé xinh xắn, nặng 3,1kg, gương mặt sáng ngời, thông minh, lanh lợi. Ngay từ khi bé lọt lòng, vợ chồng tôi đã thường trò chuyện với con. Cả tôi và chồng đều biết hát ru. Chúng tôi ru bé ngủ bằng làn điệu hát ru của đồng bằng Bắc bộ. Khi bé ngủ, chúng tôi mở nhạc êm nhẹ, thường là hòa tấu dân ca ba miền, hòa tấu nhạc Trịnh, nhạc cổ điển, cũng có khi là nhạc có lời. Bé được 15 ngày tuổi, vợ chồng tôi đã cho bé nằm xe đẩy và đi dạo chơi trong rừng cao su mỗi sáng, chiều. Tôi muốn bé sớm cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên: tiếng gió rì rào, tiếng ve râm ran, tiếng chim hót, tiếng côn trùng và cả tiếng ồn ào của cuộc sống sôi động…
Lớn lên một chút, khi bé có thể ngồi, chúng tôi vừa đi dạo, vừa chỉ cho con những hiện tượng, đồ vật, con thú trong tầm mắt bé, ví dụ: “Cánh diều bay đó con”; “xe và người đi lại ngoài đường”; “tiếng máy bay ù ù”; “con chó đang sủa gâu gâu”… Cứ như thế, tất cả thời gian có thể, chúng tôi đều dạy cho bé nhận biết mọi thứ trong cuộc sống, thậm chí, tôi đạt được thành tích nào đó trong công việc, tôi cũng chia sẻ với bé: “Con biết không, hôm nay mẹ vừa được nhận bằng khen đấy”, hay “Con ơi, mẹ đã vất vả suốt mấy ngày nay để kiếm thêm tiền cho chúng ta đấy…”.
Tôi nhận ra rằng, em bé của tôi cũng khá lanh lợi: 10 tháng tuổi bé đã có thể ê a: “Ba ba”, “Mẹ mẹ”, “Vâu vâu”, “Meo meo”… 18 tháng tuổi, bé thuộc và hát được rất nhiều bài hát trẻ em. Đến nay, bé tròn hai tuổi. Bé khá nhạy cảm, sử dụng ngôn ngữ rất tốt, nhiều lúc láu lỉnh. Bé tự xúc cơm ăn, tự mặc quần, thích giúp mẹ việc nhà. Dù bé chưa thể làm được, tôi vẫn cho bé tham gia vào những công việc hằng ngày.
Tôi nghĩ cha mẹ nên rèn trí thông minh cho con ngay từ trong bụng mẹ.