Việc chuẩn bị trước chế độ dinh dưỡng giúp bạn tăng cơ hội thụ thai, mang thai khỏe mạnh, và sinh ra một em bé hoàn hảo cũng là ước mơ của tất cả các bậc làm cha mẹ.
Trước khi mang thai, bạn cần đi khám sức khỏe toàn diện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai, tránh những dị tật mắc phải không đáng có.
Phần lớn phụ nữ hiện nay đều biết, khi mang thai cần phải ăn nhiều hơn bình thường, ăn nhiều các chất bổ dưỡng để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, không bị suy dinh dưỡng bào thai. Thực tế, nhiều chị em trước khi mang thai đã bị thừa cân béo phì, nên rất lo tăng cân quá mức vừa ảnh hưởng đến vóc dáng, vừa lo nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2 sau này. Vậy phụ nữ thừa cân béo phì phải ăn uống như thế nào khi chuẩn bị mang thai cũng như trong thời gian mang thai và nuôi con bú?
Trước hết, nếu bạn đang bị thừa cân béo phì, nên cố gắng luyện tập thể thao và ăn kiêng để cơ thể trở về cân nặng bình thường là tốt nhất, vì phụ nữ thừa cân béo phì khả năng thụ thai thấp hơn những phụ nữ có cân nặng bình thường.
Theo nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa sức khỏe và chỉ số vòng bụng/vòng mông (WHR) – một phương pháp xác định sự phân bố mỡ trên cơ thể thì những phụ nữ có ít mỡ bụng và có vòng eo chuẩn thường có sức khỏe và khả năng sinh sản tốt vì có mức estrogen ở trạng thái tốt nhất. Nói như vậy cũng không có nghĩa là những phụ nữ thừa cân béo phì không thể thụ thai, mà chỉ là cơ hội thụ thai thấp hơn thôi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, khi có thai người phụ nữ cần tăng trung bình từ 9 – 12 kg là đủ. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước khi có thai mà cần tăng cân ở mức độ khác nhau:
- Những phụ nữ gầy mảnh khảnh (BMI < 18,5) cần tăng 12 – 18 kg
- Người có cân nặng trung bình (BMI > 23) chỉ cần tăng 6 – 7 kg.
Để không bị tăng cân quá mức ở những phụ nữ thừa cân khi mang thai cần phải ăn uống như sau:
- Năng lượng chỉ cần 2000 – 2200 Kcalo/ngày
- Chất đạm: 1g/kg cân nặng, chỉ nên ăn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, ăn tôm cua cá nhiều hơn thịt.
- Chất béo: Chiếm 15 – 20% khẩu phần.
- Ăn nhiều rau xanh và quả chín ít ngọt
- Không nên ăn bữa tối quá muộn sau 20h.
- Lượng thực phẩm cần trong một ngày
- Gạo: 250 – 300g (nếu ăn bún, mì, phở thì giảm bớt gạo đi)
- Thịt (cá, tôm): 150g.
- Rau xanh: 500g
- Quả chín: 300g – 400g
- Sữa: 300 – 400ml (uống sữa tươi không đường)
- Chất béo: 20 – 30g/ngày
- Trứng gà: 1 tuần 3 – 4 quả
Nhữg thực phẩm nên ăn
- Gạo không xát quá trắng, nên ăn thêm khoai củ để tăng chất xơ chống táo bón.
- Ăn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, ăn tôm cua cá loại nhỏ, ăn được cả xương càng tốt.
Ăn nhiều rau xanh - Ăn các loại quả chín ít ngọt: cam, bưởi, lê, táo, thanh long, dưa chuột.
- Uống sữa không đường, sữa đậu nành không đường.
- Chế biến món ăn nên tăng cường luộc hấp.
- Nên ăn nhạt.
Những thực phẩm nên hạn chế
- Các thực phẩm chế biến sẵn: patê, xúc xích, lạp xường, gà rán, khoai tây chiên…
- Các loại thịt có nhiều mỡ.
- Các loại phủ tạng động vật.
- Các loại quả chín quá ngọt: chuối, na, mít, vải, xoài, nhãn…
- Các thức ăn xào rán
- Các gia vị ớt tỏi, hạt, tiêu,…
- Các thực phẩm không nên ăn
- Các loại đường ngọt, bánh kẹo, nước có ga.
- Sữa đặc có đường.
- Các loại chất kích thích: rượu, bia, nước chè đặc, thuốc lá, cà phê.
Bên cạnh chế độ ăn uống, dù đang mang thai bạn vẫn có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, hoặc tập các bài thể dục dành cho phụ nữ mang thai giúp bạn không tăng cân quá mức và lúc sinh con dễ dàng hơn, tránh những động tác cúi gập bụng, những động tác có nguy cơ gây ngã.
BS.THS. Lê Thị Hải