Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết hiện nay bệnh suyễn ở trẻ em có tỉ lệ rất cao, đặc biệt tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội tỉ lệ này chiếm khoảng 25% trẻ em trong cộng đồng. Khò khè là triệu chứng quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh suyễn, nhưng không phải trường hợp nào khò khè cũng là suyễn.
Mới đây Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM tiếp nhận bé gái P.L.M.T., 10 tháng tuổi, ngụ ở Thủ Đức, TP.HCM với triệu chứng sốt, ho, khò khè, khó thở. Người nhà cho biết bốn tháng nay cháu bé đã khò khè tới sáu đợt. Lo sợ, gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện quận điều trị. Cả ba lần tại đây cháu được điều trị như bệnh nhân bị viêm phế quản nhưng bệnh tình vẫn không cải thiện.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ cho chụp X-quang phổi cho thấy bệnh nhi có hiện tượng ứ khí phổi một bên. Nghi ngờ bé có dị vật đường thở, các bác sĩ hỏi người nhà trước đó cháu có bị sặc không, nhưng người nhà trả lời không nhớ. Các bác sĩ tiếp tục chụp CT ngực cho bệnh nhi và thấy một dị vật nhỏ nằm ở phế quản gốc bên trái. Sau đó, bệnh nhi được nội soi gắp ra một mảnh xương nhỏ kích cỡ 2mm.
Theo bác sĩ Anh Tuấn, rất nhiều ông bố bà mẹ đưa con đến bệnh viện khám vì thấy con thở khò khè tưởng mắc bệnh suyễn, trong đó nhiều trường hợp trẻ chỉ bị ngạt mũi. Với những trường hợp này chỉ cần nhỏ nước mũi trẻ sẽ hết khò khè. Còn những trẻ thở khò khè đã được điều trị như bệnh suyễn nhưng vẫn không khỏi cần nghĩ đến nguyên nhân khác như hóc dị vật, dị dạng bẩm sinh đường thở, u bướu trong lồng ngực, bệnh lao…
Như vậy không phải trường hợp nào trẻ thở khò khè cũng là suyễn. Đây không chỉ là cảnh báo cho phụ huynh mà cả nhân viên y tế.