Để ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh cho bé, cha mẹ cần có lối sống khỏe mạnh từ nhiều tháng trước đó.
Dưới đây là 10 lời khuyên để chuẩn bị mang thai tốt nhất, từ Pregnancy:
1. Tránh thực phẩm chứa thuốc trừ sâu
Theo thống kê từ nhóm công tác môi trường Mỹ, nhóm thực phẩm dễ bị nhiễm nhiều thuốc trừ sâu nhất là: nho, lê, đào, táo tây, ớt chuông, carrot, cần tây, dâu tây, anh đào, rau diếp… Hoa quả, rau xanh có dư lượng thuốc trừ sâu ở mức thấp nhất gồm: quả bơ, ngô ngọt, hành tây, dứa, xoài, kiwi, cà tím, đu đủ, dưa hấu, cà chua và khoai lang…
2. Giảm mỡ động vật
Mỡ động vật có chứa hormone tổng hợp, thuốc kháng sinh và các hóa chất như dioxin, DDT và thuốc trừ sâu. Các chất hóa học tích lũy trong mỡ động vật có thể nán lại trong cơ thể người nhiều năm mới gây bệnh.
Khi bạn mua thịt, hãy tìm những miếng thịt ít chất béo (chất béo không bão hòa cơ thể cần có từ nguồn thực vật như quả óc chó, hạt lanh và quả bơ). Hãy lọc bỏ tất cả các miếng mỡ, da (hoặc chọn cách nướng thịt, cá để chất béo chảy ra). Tránh rán (chiên) thịt, cá. Tốt nhất là không nên ăn nhiều thịt.
3. Chọn thủy, hải sản an toàn
Thủy, hải sản có thể nhiễm methylmercury (một chất độc thần kinh mạnh). Cá cũng có thể bị ô nhiễm PCBs (một chất gây ung thư). Tuy nhiên, cá là một nguồn quan trọng của chất béo tốt được biết đến như Omega-3. Vì thế, hãy ăn thủy, hải sản đã qua kiểm duyệt và chọn những loại có mức độ ô nhiễm thấp hơn như cá trích, cá thu, cá cơm, nghêu, cá hồi, tôm, cá rô phi…
4. Cẩn trọng với đồ nhựa
Một số đồ nhựa có chứa hóa chất bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho phát triển bào thai. Để sử dụng nhựa an toàn, bạn không nên đựng đồ ăn nóng vào đồ nhựa. Ngừng dùng thực phẩm và đồ uống khi sản phẩm có dấu hiệu rách, vỡ. Tránh đồ hộp có chứa bisphenol-A (hóa chất gây ảnh hưởng đến thai). Tốt hơn hết, bạn nên chọn các loại thực phẩm tươi, sấy khô (hoặc đông lạnh) đóng gói trong lọ thủy tinh.
5. Lưu ý với nước uống
Nước ngọt, nước tăng lực, nước quả đóng hộp… thực sự không tốt cho sức khỏe như bạn tưởng. Bởi vì, hầu hết các thức uống này đều chứa chất ngọt và màu nhân tạo. Hơn nữa, chúng được đóng vào các loại chai nhựa, có thể không có lợi cho cơ thể. Bạn hãy chú trọng đến nước lọc chứa trong bình thủy tinh hoặc bình nước bằng thép không gỉ.
6. Tránh nguồn nhiễm chì
Chì là một chất gây độc mạnh, có thể truyền vào bào thai thông qua nhau thai. Cách tốt nhất để tránh chì là bạn không nên sơn tường (sơn đồ đạc) và cách xa những nơi vừa được sơn sửa. Nguồn nước nhà bạn cũng có thể bị nhiễm chì, hãy kiểm tra để biết chắc điều đó.
7. Hạn chế các sản phẩm chăm sóc cá nhân
Mỹ phẩm có thể chứa chất gây ung thư hoặc chứa hóa chất (có khả năng phá vỡ nội tiết tố của bào thai). Tốt nhất, bạn nên chọn mỹ phẩm an toàn và càng hạn chế dùng mỹ phẩm thì càng tốt.
Nếu phải sử dụng mỹ phẩm, nên tránh các sản phẩm với parabens, phthalates, mùi thơm, triclosan, sodium lauryl / laureth sulfate, DEA (diethanolamine) và TEA (triethanolamine), formaldehyde; sản phẩm chứa “glycol” hoặc “methyl”.
8. Lau chùi nhà sạch mà ít dùng hóa chất
Dấm, chanh có thể giúp bạn lau chùi mà không gây độc. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm những sản phẩm tẩy rửa tự nhiên ngoài cửa hàng. Tránh những loại có chất độc, được cảnh bảo nguy hiểm, có mùi thơm nồng, hắc. Bạn cũng nên tránh các chất độc hàng đầu như nonylphenol ethoxylates (NPEs), triclosan, amoniac, chất tẩy clo, DEA, TEA, hydrochloric, sodium hydroxide, và axit sulfuric.
9. Không rượu, cafe và thuốc lá
Phụ nữ hút thuốc (hoặc tiếp xúc với khói thuốc) có khả năng sinh con nhẹ cân. Rượu và cafe lại chứa nhiều nguy cơ với bào thai.
10. Tăng axit folic
Nguồn nhiều axit folic gồm đậu đỗ, nhất là đậu Hà Lan, quả họ cam quýt, rau bina (rau chân vịt), súp lơ. Bổ sung axit folic từ trước mang thai giúp bào thai khỏe mạnh, ngừa khuyết tật ống thần kinh, chẳng hạn tật nứt đốt sống. Tuy nhiên, không được tự ý bổ sung axit folic vì quá nhiều axit folic cũng nguy hiểm không kém. Tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng axit folic hợp lý.