Mùa hè có một trường hợp bệnh lý rất nguy hiểm dễ gặp ở trẻ em trong những ngày nắng nóng gay gắt, chúng ta cần phải biết cách đề phòng và xử trí để tránh những chuyện đáng tiếc: Trẻ bị trúng nóng.
Nguyên nhân do tiết trời quá nóng bức; trẻ mặc quần áo dày, chật và bí; ở trong những căn buồng chật, nóng, thiếu thoáng khí, những nơi chật chội, ngột ngạt hơi người.
Điều kiện thuận lợi gây ra trúng nóng là nhiệt độ không khí cao, ẩm và không có gió; trẻ thiếu nước uống, khiến cơ thể trẻ bị nóng quá làm rối loạn hệ thần kinh trung ương. Chúng ta nên nhớ hệ thần kinh (nhất là thần kinh của trẻ nhỏ) rất nhạy cảm với nhiệt, khi bị quá nóng dễ bị rối loạn thần hoàn não, phù não và có thể chảy máu não.
Biểu hiện của trẻ bị trúng nóng là: Sốt cao trên 40oC, mặt đỏ phừng, thân mình cũng đỏ, da khô, nóng, vã mồ hôi, thở nhanh và nóng… |
Từ đó làm rối loạn hoạt động của tim mạch và hô hấp, đồng thời kèm theo rối loạn về chuyển hóa (muối, nước), hạ glucoza huyết gây ra một bệnh cảnh rất nguy kịch mà nhân dân ta gọi là “trúng nóng”.
Về biểu hiện lâm sàng, có nhiều mức độ khác nhau, thường được chia làm hai thời kỳ:
Thời kỳ đầu, triệu chứng nổi bật là những dấu hiệu về thần kinh. Trẻ đột nhiên khóc thét, vật vã rồi li bì, nhiều trẻ lên cơn giật. Những trẻ đã lớn tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.
Thường trẻ sốt cao trên 40oC, mặt đỏ bừng, thân mình cũng đỏ (do giãn mạch), da khô, nóng, vã mồ hôi, hơi thở nhanh và nóng, tim đập nhanh, mạch nhỏ, khó bắt, rất khát nước. Ở thời kỳ này, nếu trẻ được điều trị cấp cứu ngay sẽ dễ qua khỏi, nhưng nếu ta để bệnh chuyển sang thời kỳ nặng với những hội chứng mất nước, trụy tim mạch (da tái nhợt, chân tay lạnh, mạch và huyết áp nhiều khi không lấy được nữa, vô niệu), hôn mê, thỉnh thoảng có những cơn ngừng thở… việc cứu chữa sẽ rất khó khăn, đôi khi không kịp nữa.
Như vậy, trúng nóng là một trường hợp nặng, cần được cứu chữa sớm, kịp thời tại bệnh viện. Ở thời kỳ đầu bệnh còn nhẹ việc cứu chữa chủ yếu là làm hạ nhiệt (đưa trẻ ra chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát, v.v…). Nếu trẻ tỉnh, cho uống nước mát, nước quả, sirô hoặc dung dịch mặn, ngọt đẳng trương. Cho thuốc hạ nhiệt, thuốc trợ tim mạch, chống suy hô hấp… Khẩn trương điều trị ngay ở thời kỳ đầu không để chuyển sang thời kỳ nặng.
Bố mẹ nên tránh cho trẻ chơi ở những nơi chói nắng, những gian phòng quá kín nhiều đồ đạc… |
Để trẻ nhỏ không bị trúng nóng, cảm nóng trong những ngày hè oi bức, các bậc bố mẹ, các cô nuôi dạy trẻ cần chú ý phòng chống nóng cho các cháu chu đáo:
- Ưu tiên dành cho các cháu những gian phòng rộng rãi, thoáng mát nhất. Tránh những nơi quá nóng bức như gần bếp, trên gác xép sát mái nhà, những nơi xói nắng hướng tây, những gian phòng quá kín, nhiều đồ đạc, ít cửa.
- Những hôm nóng bức tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, không khí nóng ngột ngạt, như các phòng họp, rạp chiếu bóng, chen chúc trên các phương tiện giao thông công cộng.
- Chú ý cho các cháu uống đủ nước, kể cả những cháu nhỏ còn bú chưa biết đòi uống nước.
- Cho các cháu mặc quần áo bằng vải mỏng, rộng, nhạt màu. Tránh dùng những loại vải dày, vải ni lông bí mô hôi. Năng tắm rửa cho các cháu để luôn luôn giữ da sạch sẽ, mồ hôi bài tiết được dễ dàng.
Theo BS Hương Liên
Đời Sống Gia Đình