Thuốc và sức khỏe

Những loại thuốc có thể gây hại cho mắt

Ngày: 13-09-2012

Sau khi dùng thuốc, nếu như bạn cảm thấy có những biểu hiện khác thường ở mắt, thì bạn hãy nói ngay với bác sĩ của bạn về những khó chịu trên. Bởi vì, có những loại thuốc có thể gây hại cho mắt của bạn.

Cơ thể của chúng ta là một tổng thể hữu cơ của các mô và cơ quan có mối liên hệ ràng buộc và qua lại mật thiết với nhau. Vì vậy, sức khỏe thị giác cũng gây ảnh hưởng và chịu tác động từ tất cả các cơ quan khác trên cơ thể. Cũng bởi vì vậy mà khi thuốc can thiệp đến một tình trạng nào đó của cơ thể, thì thường sẽ ảnh hưởng đến cả cơ quan thị giác.

Cần phải mất rất nhiều thời gian và nghiên cứu công phu để hình thành mối quan hệ nhân quả thuốc – tác dụng phụ trên mắt. Có những tác hại có thể biểu hiện cấp tính nhưng cũng  có những tác hại mang tính nguy cơ tiềm tàng.

Sau đây là những khuyến cáo từ các nhà nhãn khoa của Mỹ thiết nghĩ là cần thiết cho các đồng nghiệp khác cũng như cho tất cả những ai hay dùng thuốc bừa bãi mà không cần đi khám, dùng thuốc theo truyền miệng hay kéo dài đơn thuốc không biết chừng mực…

Những loại thuốc có thể gây hại cho mắt - Thuốc và sức khỏe - Bệnh đau mắt - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình

Hãy cẩn thận với các thuốc có thể gây hại cho mắt của bạn.

Thuốc gây hại cho võng mạc

Plaquenil (hydroxchloriquine sulfate) là một loại thuốc thông thường dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Nó cũng có thể gây tác hại không hồi phục cho võng mạc. Clonidine – thuốc hạ huyết áp cũng có thể ảnh hưởng tới võng mạc. Thioridazine – thuốc chống nhiễm khuẩn nhưng cũng có thể gây nên bệnh võng mạc sắc tố.

Tất cả các loại thuốc thuộc dòng giảm đau, kháng viêm không có steroid đều có thể gây ra những tác dụng phụ trong đó có đục thể thủy tinh, khô mắt, xuất huyết võng mạc nếu sử dụng trong thời gian dài. Nhóm này bao gồm các thuốc sau đây: aspirin, ibuprofen, ketobufen, naproxen. Ngay cả acetaminophen cũng có thể gây tác hại cho võng mạc.

Các thuốc gây xuất huyết tại mắt

Tất cả các loại thuốc giảm đau kháng viêm không có steroid; venlafaxine (một chế phẩm chống trầm cảm); amphotericin B (thuốc kháng nấm); thuốc ức chế cholesterase, thường dùng để điều trị Alzheimer; pentoxifyline (thuốc chống huyết khối); heparin, coumadin, anisidione và các thuốc chống đông đường uống khác, đều có thể gây xuất huyết tại mắt.

Các thuốc có thể gây glocom hoặc gây tổn hại cho thị thần kinh

Thủ phạm gây nên những tác dụng phụ này là các loại thuốc chống viêm không steroid; venlafaxine; các dược chất có steroid: nếu sử dụng lâu dài thì rất nguy hại cho mắt. Vì vậy khi được kê đơn các thuốc này bạn nên dùng thêm các chế phẩm thực phẩm bổ sung có các chất chống ôxy hóa cũng như liên lạc thường xuyên với bác sĩ để được giảm liều hay dùng các chế phẩm khác ít có hại hơn cho mắt.

Các thuốc có thể gây đục thể thủy tinh hay làm nặng thêm tình trạng đục thể thủy tinh vốn có

Đó là các loại thuốc làm tăng nhạy cảm ánh sáng cho mắt, chúng hấp thụ năng lượng của ánh sáng và thông qua phản ứng quang hóa để nhằm thay đổi cơ chế hóa lý trong các mô. Do vậy chúng có thể gây hại cho thể thủy tinh và hoàng điểm. Ví dụ: các thuốc kháng histamin, thuốc tránh thai, thuốc an thần, nhóm sunfamid, thuốc tiểu đường týp II, thuốc chống động kinh, thuốc chống viêm không có steroid.

Các steroid, do cơ chế bắt chước một hormon trong cơ thể nên thuốc giúp chúng ta kiểm soát quá trình viêm. Chúng được dùng phổ biến trong bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, Lupus. Việc sử dụng lâu dài nhóm thuốc này sẽ có thể gây đục thể thủy tinh cực sau và tăng áp lực nội nhãn. Có tới hơn 50% những bệnh nhân dùng prednisone với liều từ 10 – 15 mg/ngày sẽ xuất hiện đục thể thủy tinh sau 1 – 2 năm.

Khi chúng ta ngừng thuốc đục thể thủy tinh sẽ không biến mất, do đó có thể phải giải quyết bằng phương pháp phẫu thuật. Ít gặp hơn là tác dụng phụ gây tăng nhãn áp dẫn đến glocom. Cần lưu ý: những tác hại khi đã xảy ra là bất biến. Thêm vào đó là tác dụng phụ trên toàn thân như gây cao huyết áp và tiểu đường.

Thuốc gây viêm kết mạc dị ứng

Các loại thuốc kháng sinh khi được dùng đường toàn thân hay được dùng tại chỗ đều có thể gây dị ứng cho mắt. Ví dụ như nhóm penicillin tổng hợp (ampicilin hay amoxicillin) bị nhiều người than phiền vì gây đỏ và ngứa mắt. Tetracyclin có thể làm tăng cảm nhận ánh sáng và nhìn mờ. Sulfonamid rất hay gây dị ứng, ngoài ra còn có thể gây xuất huyết tại mắt. Bởi vậy, khi dùng kháng sinh ta có thể dùng thêm các chế phẩm sinh học như acidophilus hay bifidus và vitamin C để phòng ngừa tác hại của kháng sinh.

Thuốc làm thay đổi độ trong suốt của giác mạc

Các loại thuốc chống sốt rét tổng hợp cũng có thể gây nên những thay đổi trên giác mạc. Cảm giác nhìn thấy quầng sáng, chớp sáng hay quá nhạy cảm với ánh sáng có thể xuất hiện. Tuy nhiên, nó không gây ra giảm thị lực. Khi dừng điều trị những khó chịu trên sẽ biến mất.
Tóm lại, khi dùng thuốc nếu thấy có những biểu hiện bất thường ở mắt bạn hãy nói ngay với dược sĩ và bác sĩ của bạn về những khó chịu trên để có những hướng xử trí kịp thời nhất.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*