Y học - Bệnh lý

Các biến chứng của Đái tháo đường

Ngày: 31-10-2012

Đái tháo đường(ĐTĐ) là bệnh rất nguy hiểm gây tổn thương, rối loạn cho nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Tùy vào thời gian diễn tiến của bệnh mà các biến chứng của ĐTĐ được chia thành biến chứng cấp, biến chứng mạn tính và một số biến chứng khác.

Các biến chứng của Đái tháo đường - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Kiến thức y học

Cần khám, điều trị bệnh tiểu đường kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc

1. Biến chứng cấp

Các biến chứng cấp đặc biệt ở ĐTĐ là nhiễm toan ceton, tăng thẩm thấu, hạ glucose máu và nhiễm toan acid lactic.

 Nhiễm toan ceton thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1, tuýp 2 hiếm.

– Khi các tế bào thiếu quá nhiều năng lượng nên cơ thể bắt đầu phá vỡ các chất mỡ tạo ra những acid độc hại gây nhiễm độc cho chính cơ thể.

– Các triệu chứng ban đầu có thể rất kín đáo như mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, đau vùng thượng vị, tiểu nhiều và khát nước nhiều.

– Xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy có ceton trong nước tiểu, thậm chí là khi không hề có các triệu chứng lâm sàng kể trên. Sự nhiễm toan này có thể nặng hay nhẹ, có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày và cần phải điều trị cấp cứu.

Tăng thẩm thấu

– Nguyên nhân là do tăng glucose máu, làm máu đặc lại, dẫn đến giảm chức năng thận và rối loạn khát, thường gặp ở người già, và có thể dẫn tới hôn mê.

– Các triệu chứng lâm sàng tiến triển rất nhanh như mất nước (nội bào và ngoại bào), sốt, rối loạn ý thức (hôn mê, co giật), thở nhanh, nông. Không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

 Hạ glucose máu

– Hạ glucose máu ở người già bị ĐTĐ là một biến chứng đáng lo ngại, đây chính là nguồn gốc của tai biến mạch máu não hoặc mạch vành, tăng tỷ lệ tử vong.

– Hạ glucose máu ở mức độ vừa nhưng nếu lặp lại nhiều lần thì rất nguy hại và có khả năng không hồi phục.

Nhiễm toan acid lactic

Chủ yếu xảy ra ở người già bị ĐTĐ tuýp 2. Nhiễm toan acid lactic sẽ dẫn đến tổn thương suy tế bào gan hoặc suy thận.

2. Biến chứng mạn

ĐTĐ ở giai đoạn mạn tính sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng.

– Các bệnh lý về võng mạc: vi mạch máu ở võng mạc bị tổn thương là nguyên nhân chính gây mù, giảm thị lực ở bệnh nhân ĐTĐ

Các biến chứng của Đái tháo đường - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Kiến thức y học

Biến chứng ở mắt của bệnh nhân đái tháo đường

– Các biến chứng khác tại mắt: rối loạn chiết quang nên nhìn khi rõ khi mờ, rối loạn màu sắc (vàng, xanh), đục thủy tinh thể, viêm thần kinh thị, liệt cơ vận nhãn.

– Bệnh lý về thận: ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu của suy thận mạn tiến triển (sau 10 – 15 năm mắc ĐTĐ), do các vi mạch máu thận lọc các chất cặn bã đã bị tổn hại.

– Các bệnh lý về thần kinh như bệnh lý đa dây thần kinh vận động – cảm giác mạn tính (với các dấu hiệu như bệnh nhân có cảm giác đau/bỏng/chích/điện giật xảy ra chủ yếu ở bàn chân và chi dưới, thường nặng về đêm, gây nên loét bàn chân).

– Xơ vữa các mạch máu lớn gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tắc mạch thận, viêm tắc động mạch chi dưới.

3. Biến chứng nhiễm trùng

Đường dư trong máu làm hại đến hệ thống miễn dịch và tăng rủi ro nhiễm khuẩn. Những bệnh nhân ĐTĐ dễ bị các bệnh nhiễm trùng hơn, như là nhiễm trùng lao, nhiễm vi trùng và siêu vi trùng, nhiễm trùng đường tiểu dai dẳng và tái phát nhiều lần.

Các biến chứng của Đái tháo đường - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Kiến thức y học

Nhiễm trùng ở người mắc bệnh tiểu đường

Các nhiễm trùng da và niêm mạc cũng thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ như: nhọt tụ cẩu vàng, viêm âm hộ, viêm bao quy đầu,…

4. Các biến chứng khác

Tăng huyết áp: thường phối hợp với ĐTĐ, đôi khi có trước khi ĐTĐ xuất hiện, hoặc thông thường do bệnh lý cầu thận, xơ vữa; tần suất gặp nhiều ở ĐTĐ type 2 nhất là béo phì .

– Biến chứng da: ngoài các tổn thương nhọt nhiễm trùng, ở da còn có những biểu khác như viêm teo dạng mỡ (biểu hiệu bằng những nốt mà phần trung tâm teo lại, vùng viền xung quanh tím dần, định vị ở ngón tay hay chi dưới), dị ứng da do insuline, phì đại mô mỡ hoặc teo mô mỡ.

– Biến chứng bàn chân ĐTĐ: Ở các mức độ nhiễm trùng khác nhau sẽ có những biến chứng khác nhau.

  • Mức độ nhẹ: loét bề mặt, chảy mủ hay huyết thanh, hoại tử không có hay rất ít.
  • Mức độ vừa: loét bề mặt sâu hơn, thường có chảy mủ, hoại tử mô mức độ trung bình, có thể sốt nhẹ.
  • Mức độ nặng: loét bề mặt hay sâu hơn (vào mô dưới da, xương, khớp), chảy mủ, hoại tử mô nặng và lan rộng.

Các biến chứng của ĐTĐ là rất nguy hiểm và hậu quả nặng nề, để chữa trị được cần nhiều thời gian và tiền của, nhưng một số biến chứng lại có thể dẫn tới tử vong. Ở chuyên đề sau, chúng tôi sẽ nói về cách phòng bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó để giúp bạn sẵn sàng “chiến đấu” với bệnh đái tháo đường.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*