Y học - Bệnh lý

Chứng viêm đau dây thần kinh số V

Ngày: 15-11-2012

Dây V là dây thần kinh sọ lớn nhất trong 12 đôi dây thần kinh sọ não, ngoài vai trò vận động các cơ nhai nó còn có nhiệm vụ chi phối cảm giác ở mặt. Đau thần kinh V với những triệu chứng đau nhói từng cơn ở vùng mặt là bệnh lý khá phổ biến. Mặc dù diễn tiến bệnh không gây tử vong, nhưng mức độ trầm trọng của bệnh là nỗi khủng khiếp với con người và đã có bệnh nhân tự vẫn vì không chịu được cơn đau.

Chứng viêm đau dây thần kinh số V - Y học - Bệnh lý - Bệnh đau dây thần kinh - Kiến thức y học

Đau thần kinh V thường xảy ra ở người trưởng thành trên 50 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Tỉ lệ đau thần kinh V theo đa số các thống kê chiếm khoảng 0,04% – 0,05%, tỷ lệ mắc mới khoảng 20 ca/100.000 dân/năm và nó chiếm tỷ lệ cao nhất trong những trường hợp đau không do răng.

1. Nguyên nhân

Đau dây V được chia làm hai loại: vô căn (không rõ căn nguyên) và triệu chứng (có nguyên nhân) nhưng dạng vô căn chiếm chủ yếu.

Hiện nay, với các phương pháp kỹ thuật hiện đại như chụp cộng hưởng từ sọ não và mạch máu não (MRI), các nhà y học đã bước đầu chẩn đoán được nguyên nhân sinh bệnh có thể là do:

– Có sự chèn ép của động mạch tiểu não vào ngay chỗ xuất lộ của dây V ra khỏi thân não, chiếm tỷ lệ khoảng 75%.

– Chấn thương, nhiễm trùng, có u lành ở trong não, hoặc thấy có bệnh mảng xơ rải rác, những trường hợp này chiếm 2-4% (multiple sclerosis).

– Các khối u nằm ở vùng góc cầu – tiểu não và các vùng lân cận của góc cầu – tiểu não đôi khi cũng có liên quan đến đau dây thần kinh số V như: u màng não (mengingroma), u nang thượng bì (epidermoid cyst), u tuyến yên (pituitaryadenoma), u ác tính di căn (carcinoma), túi phình động mạch (aneurysm). Có từ 5-8 % bệnh nhân đau dây V là do các loại u này.

– Tác giả Nashold tin rằng cơn đau điển hình của dây V tạo ra từ một ổ động kinh cục bộ có liên quan đến rối loạn của trung não.

2. Triệu chứng

Đau dây thần kinh V đặc trưng bởi các cơn đau ngắn, đột ngột, cảm giác đau dữ dội như điện giật hay dao đâm, đau chói, chỉ đau một bên mặt (95% trường hợp), bên phải hay gặp nhiều gấp 5 lần bên trái, thường gặp là hàm dưới, má, gò má, môi. Cơn đau có thể xuất hiện tự phát hay do kích thích như khi sờ nhẹ vào một điểm nào đó trên da mặt hay cằm, khi nhai hoặc gặp gió lạnh, khi rửa mặt, cạo râu…

Đau có thể làm bệnh nhân không dám ăn uống hay nói chuyện. Số lượng cơn đau có thể thay đổi từ ít hơn 1 cơn/ngày đến hàng chục cơn/ngày. Các đợt đau có thể kéo dài vài tuần, vài tháng xen vào là những đợt hoàn toàn không triệu chứng.

Tuy nhiên những kích thích mạnh như nắn bóp hay nhiệt không tạo ra cơn đau. Bệnh nhân có thể chỉ ra vị trí đau một cách khá rõ ràng.

Đa số các bệnh nhân đau dây thần kinh V khi khám lâm sàng là hoàn toàn bình thường. Ngoài cơn đau bệnh nhân không có cảm giác tê bì hay kiến bò vùng đau, không có các tổn thương khác kèm theo.

Trong những trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra từng cụm trên giai đoạn vài giờ. Trong thời gian này, người bệnh gần như bị đau liên tục.

3. Điều trị

Điều trị đau thần kinh V bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng.

– Điều trị nguyên nhân: Phẫu thuật giải áp thần kinh V là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất và mang lại một kết quả khả quan. Tuy nhiên do đây là một phẫu thuật xâm lấn và có nguy cơ tử vong nên lựa chọn phương pháp này là một vấn đề cần xem xét cẩn trọng.

– Điều trị triệu chứng: Việc ngăn chặn dẫn truyền thần kinh có thể bằng thuốc (điều trị nội khoa) hoặc bằng cách phá hủy thần kinh V (điều trị ngoại khoa).

 Điều trị nội khoa

Trong 70% các trường hợp, điều trị nội khoa thường có hiệu quả. Các loại thuốc thường dùng nhất là carbamazepine. Nếu không đáp ứng điều trị có thể dùng các loại sau clonazepam (rivotril), phenytoine (dihydan), gabapentin (neurontin), amitriptyline, hoặc có thể dùng baclofen trong trường hợp không dung nạp với carbamazepine. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này đều có chỉ định và chống chỉ định cũng như các tác dụng không mong muốn trên từng bệnh nhân. Do đó phải uống thuốc theo đơn và có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

 Điều trị ngoại khoa

30% không thể điều trị nội khoa do không hiệu quả hay do  tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, 50% bệnh nhân lúc đầu đáp ứng với điều trị nội về sau điều trị nội không còn hiệu quả. Những trường hợp này cần được điều trị ngoại khoa.

Có nhiều kỹ thuật được áp dụng và đặc biệt là kỹ thuật “đông nhiệt” hạch Gasser, cắt chọn lọc những sợi thần kinh sau hạch Gasser, phẫu thuật giải phóng nếu có dấu hiệu chèn ép dây V trên phim cộng hưởng từ sọ não và mạch máu não.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*