Y học - Bệnh lý

Viêm dây thần kinh ngoại biên

Ngày: 17-11-2012

 Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm tất cả các dây thần kinh không nằm trong não và tủy sống, chúng phân phối trên toàn bộ cơ thể, kể cả các dây thần kinh cảm giác và vận động. Khi hệ này bị suy yếu sẽ gây rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não, da, cơ, mạch máu và cả nội tạng. Mỗi khi chân tay có triệu chứng tê mỏi, đau râm ran khó chịu nhất là vào ban đêm mùa lạnh, thời tiết thay đổi đó là căn bệnh viêm thần kinh ngoại biên.

Viêm dây thần kinh ngoại biên - Y học - Bệnh lý - Bệnh đau dây thần kinh - Kiến thức y học

1. Dấu hiệu và triệu chứng

Các dấu hiệu của bệnh khởi phát nhẹ nhàng, từ từ nhưng về sau nó trở nên dai dẳng và gần như không thể chịu đựng nổi. Tùy vào dây thần kinh bị ảnh hưởng, có thể bao gồm các dấu hiệu sau:

– Cảm giác đau tại điểm hoặc vùng có dây thần kinh đau, tê bì hay có cảm giác kiến bò, về sau cảm giác này lan khắp cơ thể.

– Cảm giác ở các đầu chi giảm dần, có khi mất hẳn, giảm khả năng cảm nhận thay đổi nhiệt độ đặc biệt là ở bàn chân và ngón chân.

– Khó vận động, cơ bắp yếu, cổ tay hoặc cổ chân bại, liệt, phản xạ gân yếu hoặc mất đi, da có cảm giác lạnh, nhiều mồ hôi hoặc không có mồ hôi.

– Cảm giác ngứa ran hoặc nóng, có khi buốt, đâm đau và tồi tệ hơn vào ban đêm.

– Cực kỳ nhạy cảm đối với các tiếp xúc nhẹ nhất ở một số người kèm đau thần kinh tự chủ.

Nếu dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị yếu hoặc liệt các cơ do dây thần kinh đó kiểm soát. Còn nếu tổn thương xảy ra ở các dây thần kinh thuộc hệ thần kinh tự động, bệnh nhân có thể bị rối loạn đại tiểu tiện, giảm tiết mồ hôi hoặc liệt dương, tụt huyết áp khi đứng gây choáng, ngất.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm dây thần kinh ngoại biên do mắc bệnh tiểu đường, có chỉ số đường huyết cao trên mức cho phép. Ít nhất một nửa số bệnh nhân bị tiểu đường phát triển thành một số bệnh thần kinh. Bệnh thường xảy ra ở các bệnh nhân mà việc kiểm soát lượng đường huyết không tốt hoặc mang bệnh tiểu đường trên 25 năm.

Tổn thương ở một dây thần kinh có thể do chấn thương hoặc chèn ép ở người bị bó bột hoặc phải dùng nạng lâu ngày, ở lâu trong một tư thế không tự nhiên như đánh máy tính, hoặc có khối u ở xương.

Ngoài ra có những nguyên nhân khác bao gồm người nghiện rượu, người nhiễm HIV/AIDS, một số bệnh di truyền, nhiễm bột, thiếu vitamin (B1, B6, B12), các bệnh lý (như bệnh tự miễn, bệnh gan, bệnh thận và nhược giáp), tiếp xúc với một số thuốc và chất độc nhất là thuốc điều trị ung thư (hóa trị) và người bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus (bệnh Lyme, bệnh Zonam Epstein-Barr, viêm gan C…).

3. Xét nghiệm và chẩn đoán

Bệnh thần kinh ngoại biên không phải là một bệnh duy nhất mà là một triệu chứng với nhiều nguyên nhân, vì vậy khó chẩn đoán. Để chẩn đoán đúng và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ cần có kinh nghiệm điều trị bệnh thần kinh và quá trình khám lâm sàng như sau:

– Khám bệnh bao gồm hỏi bệnh sử, khám thực thể và khám thần kinh để kiểm tra phản xạ gân xương, sức mạnh của cơ bắp và giai điệu, khả năng cảm giác và điều phối động tác.

– Xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ vitamin B12, phân tích nước tiểu, đặc biệt là xét nghiệm chức năng tuyến giáp và điện cơ. Nếu điều trị đúng thì bác sĩ sẽ tìm ra được căn nguyên gây ra bệnh và sửa chữa tổn thương dây thần kinh kịp thời. Có như vậy mới giảm nhẹ được triệu chứng cho bệnh nhân.

4. Điều trị

Mục tiêu điều trị là làm giảm các triệu chứng đau đớn của bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị như sau:

– Điều trị căn nguyên: Điều trị tiểu đường, bổ sung vitamin, giảm chèn ép dây thần kinh, điều trị các rối loạn tự miễn, ngừng tiếp xúc với các chất hoặc thuốc gây độc.

– Sử dụng thuốc: có tác dụng làm giảm triệu chứng, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống co giật, cao dán lidocain và thuốc chống trầm cảm.

– Sử dụng các liệu pháp: Kích thích điện dây thần kinh qua da (TENS), phản hồi sinh học, châm cứu, thôi miên, các kỹ thuật thư giãn.

5. Phòng bệnh

– Điều trị kịp thời những chứng bệnh khác làm suy yếu dây thần kinh ngoại biên. Đối với người bị tiểu đường cần kiểm soát lượng đường trong máu hoặc nói chuyện với bác sĩ về phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả.

Ăn uống lành mạnh giảm thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, tăng cường các loại rau xanh hoa trái, các thực phẩm giàu vitamin B12…

– Tránh những động tác lặp đi lặp lại, tư thế bó buộc và hóa chất độc, khói thuốc lá, thói quen uống nhiều rượu…

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*