Y học - Bệnh lý

Các trường hợp đau bụng ở trẻ

Ngày: 19-11-2012

Đau bụng là một bệnh cảnh thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân hàng đầu mà trẻ được đem đến các cơ sở y tế. Đau bụng ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như tiêu chảy, nhiễm giun… Bài viết dưới đây sẽ trình bày những triệu chứng đau bụng ở trẻ em nhằm giúp bạn nhận biết đúng và có xử lý đúng đắn.

Các trường hợp đau bụng ở trẻ - Y học - Bệnh lý - Bệnh đau bụng - Sức khỏe trẻ em

1. Hiện tượng đau bụng cấp

Trong các trường hợp đau bụng ở trẻ bạn cần phải loại trừ nguyên nhân đau bụng cấp. Bởi vì, đây là một cấp cứu ngoại khoa cần được xử trí càng nhanh càng tốt, nếu bị trễ vài giờ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bé.

Nếu bé của bạn có một trong các triệu chứng sau thì cần phải đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay:

– Ðau bụng dữ dội hoặc đau bụng đến nổi bé không dám cử động.

– Ðau bụng có kèm ói mửa, chất ói có màu nâu, đen hoặc xanh rêu.

– Bụng bé  có những biểu hiện cứng, đau khi sờ đến và có đề kháng (cơ thành bụng co lại, cản trở tay người ấn bụng không thể ấn sâu).

– Đau bụng cộng với trẻ có vẻ mệt mỏi, kích thích , hốt hoảng, sức khỏe toàn thân suy sụp nhanh chóng.

2.Đau bụng do táo bón

Táo bón gây đau bụng ở trẻ với các triệu chứng phổ biến như bụng cứng, đau quặn ở vùng bụng. Trẻ bị táo bón thường đại tiện từ 3-5 ngày/ lần. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do trong  khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ  ít hoặc thiếu chất xơ kết hợp với việc đại tiện không điều độ.

Khi bé bị đau bụng do táo bón, bạn có thể làm giảm cơn đau của trẻ bằng cách nhẹ nhàng xoa bụng bé để kích thích quá trình đại tiện của trẻ. Ngoài ra, bạn nên  bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ những loại thực phẩm chứa chất xơ như: rau xanh và hoa quả tươi.

3. Ðau bụng do nhiễm giun

Nếu bé của bạn bị đau bụng kéo dài nhiều tuần, vị trí đau ở vùng quanh rốn, cơn đau lặp đi lặp lại nhiều lần và không khu trú cụ thể thường được cho là đau bụng do giun đũa. Chẩn đoán nhiễm giun dựa vào xét nghiệm phân thấy có trứng giun. Phòng bệnh cho trẻ bằng cách cho trẻ uống thuốc tẩy giun 2-3 tháng/ lần

4. Ðau bụng do tiêu chảy

Khi bé đau bụng có kèm tiêu chảy rõ ràng(phân tóe nước > 3 lần trong ngày). Tùy mức độ tiêu chảy, gia đình có thể chăm sóc bé ở nhà. Lúc này điều cần làm nhất bù nước cho trẻ bằng dung dịch ORS hoặc nước cháo muối, cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, đối với trẻ đang bú sữa mẹ thì cho bé bú thường xuyên hơn. Cho trẻ ăn thêm chuối nghiền bổ sung Kali, và cho trẻ uống nước hoa quả. Trong những trường hợp sau bạn nên đưa trẻ đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế :

– Tình trạng tiêu chảy của trẻ ngày càng nặng hơn.

– Trẻ rất khát nước.

–  Trẻ có dấu hiệu mắt trũng, trẻ bị sốt.

– Trẻ không ăn uống bình thường được…

5. Ðau bụng do nhiễm trùng

Một nguyên nhân nhiễm trùng thường gây đau bụng ở trẻ là nhiễm trùng đường tiểu. Triệu chứng thường đau bụng ở vùng trên xương mu, bé khóc khi đi tiểu do đau, tiểu lắt nhắt nhiều lần, mỗi lần một ít hoặc đau ở vùng hông. Bé gái hay bị nhiễm trùng tiểu hơn bé trai. Khi bé có những triệu chứng trên cần đưa trẻ đến trung tâm y tế để được chữa trị kịp thời.

Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng khác cũng gây ra hiện tượng đau bụng như viêm amiđan, viêm phổi, sốt rét, viêm gan…  Triệu chứng đau bụng sẽ biến mất khi bé hết hiện tượng nhiễm trùng.

6. Đau bụng do nhiễm lạnh

Triệu chứng của hiện tượng đau bụng do nhiễm lạnh thường là  đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy kèm theo các triệu chứng như: ho, sổ mũi, viêm họng. Trẻ thường bị nhiễm lạnh vào thời tiết lúc giao mùa. Vì vậy, vào lúc giao mùa bạn nên chú ý  giữ ấm cho trẻ vào ban đêm. Ban ngày, hãy mặc cho trẻ những loại quần áo bằng sợi bông tự nhiên hoặc cotton có khả năng thấm hút mồ hôi.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*