Y học - Bệnh lý

Bạn biết gì về bệnh động kinh?

Ngày: 20-11-2012

Nhiều lúc trong cuộc sống ta có thể bắt gặp những người nhìn sững vào khoảng không, có các cảm giác kỳ lạ như ảo giác, hay những người lăn đùng bất tỉnh nhân sự, cứng đơ rồi bắt đầu co giật, lăn lóc dưới đất la hét, nhiều khi đi tiểu ướt cả người, đó là những người bị động kinh. Động kinh là một bệnh lý phổ biến, chiếm khoảng 0,5% dân số thế giới và 3/4 số ca xảy ra trước lứa tuổi 20. Tại Việt Nam khoảng 2% dân số bị bệnh động kinh trong đó gần 60% số bệnh nhân là trẻ em.

Bạn biết gì về bệnh động kinh? - Y học - Bệnh lý - Bệnh động kinh - Kiến thức y học
1. Động kinh là gì?

Động kinh là tình trạng rối loạn bệnh lý, trong đó các tế bào thần kinh ở một thời điểm nào đó sẽ phát ra các xung điện bất thường. Các xung điện này gây ra rối loạn chức năng tạm thời các tế bào thần kinh khác của não từ đó làm cho con người có cử động và cảm giác bất thường, hôn mê hoặc mất ý thức. Mỗi lần như vậy gọi là cơn động kinh.

Cơn động kinh tự bộc phát, bệnh nhân khó kiểm soát hay biết trước được.

2. Nguyên nhân gây động kinh

– Động kinh vô căn: Có thể không tìm thấy nguyên nhân hoặc tìm thấy yếu tố di truyền trong 10-25% trường hợp.

– Động kinh triệu chứng: tức là có tổn thương não mắc phải.

Nguyên nhân gây ra động kinh bao gồm chấn thương sọ não, tổn thương não trong giai đoạn bào thai, sang chấn sản khoa, sau phẫu thuật sọ não… Cũng có thể do bị ngã đập đầu vào vật cứng hoặc nền gạch cứng, hoặc ngủ trên giường lăn xuống, đập đầu vào nền đất gây chấn thương ở đầu.

U não chiếm 10% so với các nguyên nhân gây động kinh khác. U hay gây động kinh là u lành tính, u màng não, u tế bào hình sao, rất hiếm khi là do u ác tính hoặc do di căn.

Nguyên nhân do mạch máu: như tai biến mạch máu não, phồng động mạch-tĩnh mạch, dị dạng mạch máu não… Do nhiễm khuẩn nội sọ như áp xe não, viêm não, viêm màng não.

Một số tỷ lệ thấp gây bệnh động kinh do nghiện rượu, rối loạn điện giải, thiếu O2 cấp, ngộ độc CO2…

3. Biểu hiện của bệnh động kinh là gì?

– Cơn động kinh cục bộ (Bravais Jacksen): không có động kinh toàn thân mà chỉ có co giật, thường bắt đầu ở ngón tay cái, ngón chân cái rồi lan rộng thêm đến các vùng xung quanh. Thường ý thức vẫn còn, thời gian cơn ngắn chỉ vài phút.

– Cơn động kinh toàn thể (Cơn lớn): Vài giờ hoặc vài ngày trước đã có 1 số dấu hiệu báo trước như cơn đau nửa đầu, cơn đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác…, khi bắt đầu lên cơn có một số dấu hiệu rõ ràng hơn.

Giai đoạn trương lực: Là giai đoạn khởi đầu của cơn động kinh, người bệnh đang bình thường đột nhiên kêu lên một tiếng rồi ngã xuống bất tỉnh, trong khi đó chân tay cứng lại, ngực không thở được nữa, người xanh tái, hai hàm răng nghiến chặt, mắt trợn ngược và thâm tím do ngạt. Giai đoạn này thường kéo dài 30 giây.

Giai đoạn giật rung: Toàn thân người bệnh co giật liên tiếp, ngắn, mạnh, có nhịp, hai mắt giật ngang hoặc giật lên, lưỡi bị đẩy ra ngoài, sùi bọt mép. Giai đoạn này thường kéo dài 1-2 phút.

Giai đoạn hôn mê: Là giai đoạn cuối cùng của cơn động kinh toàn thân, người bệnh nằm yên, toàn thân mềm nhão, thở khò khè, không nhớ những gì đã xảy ra, da dẻ bớt xanh tái nhìn như một người ngủ say. Giai đoạn này thường từ 5-10 phút.

4. Ai có nguy cơ bị động kinh?

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị động kinh. Động kinh là một từ bao trùm cho tình trạng gây ra bởi nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Thật sự, mỗi người chúng ta có nguy cơ 1/50 sẽ bị động kinh ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*