Y học - Bệnh lý

Điều trị hen suyễn bằng y học cổ truyền

Ngày: 29-11-2012

Từ bao đời nay bên cạnh các phương pháp tây y hiện đại, cha ông ta đã rất chú trọng đến việc chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Các bài thuốc đông y được sử dụng khá rộng rãi trong chữa trị và phục hồi các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh mãn tính khác. Hen suyễn có biểu hiện đặc trưng là khó thở và tiếng đờm khò khè trong họng, ngực đầy tức, đây là một bệnh điều trị bằng đông y mang lại hiệu quả khá bất ngờ.

Điều trị hen suyễn bằng y học cổ truyền - Y học - Bệnh lý - Bệnh hen suyễn - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình - Y học cổ truyền

1. Hen suyễn theo y học cổ truyền

Theo các nhà lương y, hen phế quản thuộc phạm trù “háo suyễn” “đàm ẩm”. Nguyên nhân gây bệnh do các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể gây ra.

– Do ngoại cảm phải ngoại tà bên ngoài và làm việc quá sức, thường gặp 2 loại là phong hàn và phong nhiệt.

– Về tạng phủ: do sự thay đổi hoạt động của tạng phế và thận – ho lâu ngày hoặc bệnh lâu ngày làm phế bị suy, phế khí và đường hô hấp bị trở ngại gây nên suyễn, hoặc do phế thận hư yếu, không nhuận được phế, không nạp được khí gây nên suyễn; do tỳ phế hư yếu – tỳ hư sinh đàm thấp thịnh ứ đọng tại phế gây tắc phế lạc, khí đạo không thông làm cho khó thở; do đờm trọc nội thịnh – do ăn uống không điều độ ảnh hưởng đến công năng vận hóa của tỳ, tích trệ lại thấp đờm.

2. Bài thuốc trị hen suyễn bằng y học cổ truyền

Dựa vào thể bệnh và thời điểm xuất hiện bệnh mà có phép trị thích hợp.

– Nếu là thể phong hàn: Người bệnh có biểu hiện thở gấp, trong hầu có tiếng hen rít, ngực bí, đờm trong loãng, miệng không khát, thích uống nóng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch phù hoạt.

Bài thuốc: Xạ can 10g, Tế tân 8g, Ma hoàng 12g, Ngũ vị tử 6g, Bán hạ 6g, Tử uyển 8g, Đại táo 3 quả, Sinh khương 3 lát, Khoản đông hoa 10g. Tất cả đem sắc (nấu) uống.

– Nếu là thể phong nhiệt: Người bệnh có biểu hiện hen suyễn gấp, trong hầu có tiếng khò khè, đàm đặc ho khó ra, ngực bí, thở mạnh, miệng khát thích uống lạnh, mặt và chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Bài thuốc: Bạch quả 10 quả (liên vỏ cùng đập), Cam thảo 6g, Hạnh nhân 8g, Tô tử 12g, Hoàng cầm 8g, Bán hạ 6g, Tang bạch bì 10g, Khoản đông hoa 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Nếu là thể phong đờm: có thể dùng bài thuốc “Nhị trần thang hợp tam tử thang gia giảm” gồm: nhị trần thang (bán hạ, quất hồng, phục linh, cam thảo), cộng với tam tử thang (tử tô tử, bạch giới tử, la bạch tử). Hoặc dùng bài “Tiền hồ thang gia vị”, gồm: tiền hồ, tang diệp, tỳ bà diệp, tri mẫu (đều 16g), kim ngân hoa 20g, hạnh nhân, mạch môn, hoàng cầm, khoản đông hoa, cát cánh (đều 12g), cam thảo 8g, đem sắc uống.

– Nếu là thể phế hư: có thể dùng bài “Sinh mạch tán gia vị”, gồm: mạch môn 12g, ngũ vị tử 7 hạt, nhân sâm 12g, thêm ngọc trúc, bối mẫu (đều 8g), đem sắc uống.

Lưu ý cách sắc thuốc như sau: nước đầu cho các vị thuốc cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1 chén, cho nước thuốc ra; nước hai cho 3 chén nấu còn lại nửa chén. Hòa hai nước thuốc lại chia làm 3 lần dùng trong ngày (cho người lớn), trẻ em dùng một nửa liều của người lớn. Nên dùng lúc nước thuốc còn ấm.
Ngoài uống thuốc thì các món ăn và cách day bấm huyệt cũng hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*