Thông tin y tế

Những phương pháp điều trị sỏi thận trong y học hiện đại

Ngày: 09-01-2013

Sỏi thận là bệnh khá phổ biến, tỷ lệ người dân Việt Nam bị sỏi thận ngày càng gia tăng. Tùy vào đặc điểm của bệnh (vị trí, thành phần cấu tạo, kích thước của sỏi thận) và tình trạng của bệnh nhân để lựa chọn các phương pháp điều trị sỏi thận thích hợp. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học nói chung hay sự nỗ lực của y học hiện đại nói riêng, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả, chất lượng, không đau và không mất nhiều thời gian. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến các phương pháp điều trị sỏi thận như tán sỏi, nội soi và phẫu thuật.

Những phương pháp điều trị sỏi thận trong y học hiện đại - Thông tin y tế - Bệnh sỏi thận - Kiến thức y học

1. Tán sỏi ngoài cơ thể

Có nhiều cách để loại trừ sỏi thận mà không phải phẫu thuật. Tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng một máy phát ở bên ngoài cơ thể tạo sóng chấn động từ, tác động làm hòn sỏi vỡ thành những mảnh nhỏ, những mảnh vụn này sẽ theo dòng nước tiểu ra khỏi cơ thể trong vài ngày sau.

Phương pháp này áp dụng cho tán sỏi thận hoặc sỏi niệu quản đoạn gần thận, với sỏi có kích thước khoảng 4 – 20 mm. Bệnh nhân không cần phải phẫu thuật, không cần gây mê hay gây tê, ít đau và có thể xuất viện sau tán sỏi vài giờ.Tỷ lệ tán sỏi thành công cao, một số tai biến có thể gặp như tắc nghẽn niệu quản do mảnh vỡ của sỏi, tụ máu thận hoặc nhiễm trùng niệu với tỷ lệ ít.

2. Tán sỏi qua da

Là phương pháp nội soi để lấy sỏi thận khi viên sỏi lớn và không thể dùng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể (hoặc đã sử dụng mà không hiệu quả). Một ống soi thận sẽ được đặt vào trong thận qua đường rạch da khoảng 1cm, viên sỏi sẽ bị tán vỡ ra nhờ sóng siêu âm và sau đó được hút ra ngoài qua ống, bệnh nhân được tiêm thuốc gây tê và giảm đau.

Tán sỏi qua da được chỉ định cho những sỏi thận kích thước trên 20 mm, sỏi phức tạp có nhiều cạnh nhọn,… Đây cũng là phương pháp điều trị ít xâm lấn, và đang thay thế dần phương pháp mổ mở truyền thống, tỷ lệ sạch sỏi khoảng 85%. Các tai biến có thể gặp là chảy máu, nhiễm trùng, thủng tạng trong bụng.

3. Nội soi ngược dòng lấy sỏi

Là phương pháp sử dụng máy soi ngược dòng theo đường tiết niệu, một ống nội soi được dẫn từ lỗ niệu đạo ngoài lên đến thận, tán vỡ sỏi và đưa sỏi ra ngoài theo ống. Với sự ra đời của ống nội soi mềm tạo điều kiện cho điều trị sỏi thận bằng tán sỏi qua nội soi niệu quản – bể thận trở nên hiệu quả hơn, bệnh nhân ít đau và ít xảy ra tai biến.

Tuy nhiên, phương pháp này thường được chỉ định cho sỏi niệu quản đoạn dưới bởi vì nó đem lại hiệu quả cao hơn.

4. Mổ lấy sỏi

Mổ mở là phương pháp chính trong điều trị sỏi thận trước khi có các phương pháp trên.

Tại Việt Nam, bệnh nhân thường được phát hiện và điều trị muộn, sỏi phức tạp hoặc đã có biến chứng, vì vậy mà số bệnh nhân được chỉ định mổ lấy sỏi với tỷ lệ khá cao.

Mổ mở lấy sỏi thường áp dụng cho những bệnh nhân có sỏi san hô phức tạp, sỏi đi kèm bất thường giải phẫu của hệ tiết niệu hoặc sỏi kèm theo nhiễm trùng nặng như thận ứ mủ, thận mất chức năng.

Tỷ lệ sạch sỏi sau mổ khá cao, và có thể giải quyết các bất thường khác đi kèm. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân thường đau nhiều hơn, thời gian phục hồi và nằm viện thường kéo dài hơn các phương pháp khác.

Như đã nói ở đầu bài, thì sẽ tùy vào tình trạng bệnh nhân và tình hình của sỏi trong thận mà bác sĩ sẽ chỉ định một hay kết hợp nhiều phương pháp nhau để có hiệu quả điều trị là cao nhất và có lợi cho bệnh nhân.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*