Y học - Bệnh lý

Bệnh tâm căn Hysterie

Ngày: 21-01-2013

Hysterie là tên gọi căn bệnh từ thời cổ đại, được cho là có nguyên nhân xuất phát từ tử cung con người. Đây là một căn bệnh thường gặp ở phụ nữ, lứa tuổi thanh niên và trung niên.

Bệnh tâm căn Hysterie - Y học - Bệnh lý - Bệnh tâm thần - Kiến thức y học

Bệnh thường gặp ở phụ nữ, lứa tuổi thanh niên và trung niên với các triệu chứng điển hình là cơn co giật, co cứng sững sờ sau một chấn thương tâm lý

1. Triệu chứng

Triệu chứng của hysterie là các rối loạn đã được chuyển đổi thành các triệu chứng đặc trưng của bệnh thực thể nhưng lại không hề gây ra hoặc dẫn đến tổn thương thực sự của cơ quan đó.

Triệu chứng điển hình là cơn co giật, co cứng sững sờ sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân giãy giụa la hét, đập giường… nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý.

Các cơn kéo dài, nối tiếp các rối loạn vận động , liệt cơ thể hiện bước đi khó khăn, đôi khi liệt khu trú ở một nhóm cơ tưởng tượng nào đó không tương ứng với hệ thống thần kinh – cơ. Có khi là tình trạng co cứng, co thắt cơ bắp và mất giọng không nói được. Có khi là cơn khóc, ói mửa và có hội chứng đau quặn đường tiết niệu hoặc vùng sinh dục. Ngoài ra, trẻ bị hysterie thường có cơn nhức đầu, cơn đi lại trong đêm trong trạng thái vô thần, cơn hay một thời gian chỉ nói ít lời với một hoặc với ít người đã biết nhau trước và các dạng ngất xỉu kèm la khóc hổn hển.

2. Nguyên nhân

Những nguyên nhân của bệnh tâm căn Hysterie có thể bao gồm:

– Nguyên nhân sinh học: một biểu hiện kích thích vỏ não thái quá, phát động các cơ chế ức chế của hệ thống thần kinh trung ương ở thân não, và hệ thống hoạt hoá của cấu tạo lưới. khuynh hướng trên tăng ở các bệnh nhân có một chấn thương thuỳ trán hoặc có các rối loạn thần kinh khác.

– Nguyên nhân tâm lý: biểu hiện của một xung đột tâm lý vô thức bị đè nén. Có các nét nhân cách tiền bệnh lý, thường là nhân cách kịch tính. Xung động (tình dục hoặc xâm phạm) không được chấp nhận chuyển di thành triệu chứng. Các triệu chứng thường giống triệu chứng của một bệnh thực tổn có ở một trong số các thành viên của gia đình.

3. Điều trị

Khi có bệnh nhân bị cơn Hysteria, cần cho bệnh nhân nằm nơi thông thoáng, thầy thuốc phải hết sức bình tĩnh, điềm đạm vì điều này có ảnh hưởng rất lớn tới bệnh nhân. Tuyệt đối tránh nhiều người vào thăm hỏi gây ồn ào, tỏ thái độ quá quan tâm lo lắng làm tăng thêm sự tự ám thị cho bệnh nhân dẫn đến cơn Hysteria kéo dài thêm. Có thể điều trị bằng biện pháp tâm lý như ám thị, thôi miên hoặc dùng giả dược cho bệnh nhân. Một số trường hợp nặng có thể dùng thuốc an thần, sau khi ngủ dậy bệnh nhân sẽ hết cơn.

4. Dự phòng

Dự phòng bệnh tâm căn Hysterie bao gồm loại bỏ các sang chấn tâm lý, điều chỉnh nhân cách, điều trị bệnh tật đang mắc. Một số trường hợp tái đi tái lại nhất thiết cần đưa bệnh nhân đi khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh – tâm thần. Tạo một môi trường giáo dục, môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ, không có những căng thẳng, bức xúc về mặt tinh thần cũng giúp cho những đối tượng có nguy cơ cao: phụ nữ trẻ, người tâm lý không ổn định, người có nhân cách yếu… tránh được những ức chế về mặt tâm lý để cơn Hysteria không xảy ra.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*