Y học - Bệnh lý

Bệnh uốn ván và cách phòng ngừa

Ngày: 26-01-2013

Bệnh uốn ván là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. bệnh diễn biến khó lường trước được, điều trị phức tạp. Bệnh không gây miễn dịch nên khi khỏi bệnh vẫn phải tiêm phòng để tránh tái phát.

Bệnh uốn ván và cách phòng ngừa - Y học - Bệnh lý - Bệnh uốn ván - Kiến thức y học

Có thể phòng ngừa được bệnh uốn ván bằng cách tiêm phòng vacxin uốn ván

1. Khái niệm

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván ( Clostridium tetani ) gây ra. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván là do bị trầy xát và viết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…, xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván.

Những người có nguy cơ mắc cao :

– Người làm vườn

– Người làm việc ở các trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm

– Người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại.

– Công nhân xây dựng các công trình.

– Bộ đội và thanh niên xung phong.

3. Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh nhân uốn ván thường là:

– Cứng hàm,

– Nuốt khó, nói khó,

– Tăng động, kích thích, cứng gáy, cứng tay chân,

– Co cứng cơ bụng, cổ, lưng, có tư thế ưỡn cong người,

– Có thể tìm thấy hoặc không tìm thấy vết thương.

4. Phòng ngừa

Tất cả mọi người đều có thể phòng ngừa được bệnh uốn ván bằng cách tiêm phòng Vacxin uốn ván. Đây là phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất.

Bệnh uốn ván không tạo được miễn dịch, do đó phải tiêm giải độc tố uốn ván (VAT) liều đầu ngay cùng thời điểm với tiêm kháng độc tố nhưng ở vị trí khác và với kim chích khác. Tiêm nhắc lại lần 2 và lần 3, mỗi lần cách nhau 4 tuần.

Vacxin uốn ván được tiêm dự phòng cho các đối tượng sau :

– Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ ( 15 – 44 tuổi ): sau 5 liều tiêm sẽ có kháng thể phòng bệnh uốn ván suốt thời kỳ sinh đẻ. Hiệu lực bảo vệ đạt 98 – 100%.

– Phụ nữ mang thai: chỉ cần tiêm hai liều là bảo vệ cho con mình khỏi bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh.

– Những người có nguy cơ mắc cao: đối tượng này được tiêm miễn dịch 03 liều trong vòng 6 tháng, bảo vệ được 5 năm. Cứ sau 5 – 10 năm tiêm nhắc lại 01 liều sẽ bảo vệ phòng bệnh uốn ván suốt đời.

– Các trường hợp khác :

Người bị vết thương :

+ Nếu đã tiêm miễn dịch cơ bản đầy đủ hoặc đã được tiêm liều nhắc lại trong 5 năm thì không cần tiêm nữa.

+ Nếu đã quá 5 năm và nghi ngờ bị uốn ván thì tiêm ngay 0,5ml vacxin.

+ Nếu tiền sử không rõ thì tiêm 1500IU huyết thanh kháng uốn ván và 0,5ml vacxin bằng 02 ( hai ) bơm tiêm ở hai vị trí khác nhau. Hai tuần sau tiêm nhắc lại một liều vacxin 0,5ml và một tháng sau tiêm liều thứ ba với 0,5ml.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*