Nếu trẻ không sẵn sàng ăn rau xanh thì nghiên cứu dinh dưỡng mới này cho thấy cần phải thuyết phục trẻ. Bởi nguy cơ táo bón sẽ cao gấp 13 lần so với trẻ ăn rau xanh.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Clinical Nursing, cho thấy uống ít hơn 2 cốc nước mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ táo bón.
Táo bón là một bệnh mà khi nhu động ruột “lười” hoạt động, khiến các chất thải đọng lâu và rắn lại. Nếu không điều trị, nó có thể dẫn tới tắc ruột.
BS Moon Fai Chan ở ĐH Singgapore và Yuk Ling Chan, ĐH Hong Kong Polytechnic đã nghiên cứu thói quen của 383 trẻ tiểu học tại Hồng Kông. Những trẻ này thường xuyên phải dùng thuốc hoặc đi khám bác sĩ do bị táo bón.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy 7% trẻ 8-10 tuổi bị táo bón chức năng – táo bón không do các nguyên nhân tâm lý, thực thể. Những trẻ này không thích ăn rau xanh hay hoa quả có nguy cơ táo bón cao gấp 13 lần, trong khi những trẻ không uống đủ nước có nguy cơ táo bón cao gấp 8 lần.
BS Chan cho biết: “Các nghiên cứu cho thấy táo bón chức năng ngày càng phổ biến ở trẻ đi học. Ước tính, táo bón chức năng chiếm 95% số trường hợp táo bón ở trẻ”.
Bệnh này để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng tới thể lực mà có thể ảnh hưởng tới cả tinh thần như căng thẳng, cáu kỉnh, gặp rắc rối trong học tập, kém tự tin và ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội.
Các nhà khoa học cho rằng cần phải cải thiện vệ sinh trường học, giáo dục các bậc cha mẹ về vai trò của rau xanh và nước uống, đồng thời khuyến khích căng-tin các trường bán thực phẩm nhiều chất xơ cho các bữa phụ.
“Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ giúp các bậc phụ huynh có ý thức hơn đối với táo bón chức năng, vốn gây ảnh hưởng tới thể lực và cảm xúc, cũng như chất lượng sống của trẻ”.