Ngay sau khi thấy trẻ bị bỏng, người chăm sóc trẻ cần lập tức tiến hành sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện để giảm tối đa thương tích cho trẻ.
Trong những ngày rét đậm vừa qua, không ít trường hợp trẻ em bị bỏng do sưởi ấm vì người lớn bất cẩn. Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm với trẻ. Không những gây đau đớn, việc chữa chạy phức tạp, lâu dài, tốn kém mà còn có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co kéo cơ, da gây tàn phế suốt đời.
Trung bình mỗi năm, Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận trên 2.000 trường hợp bỏng, trong đó có tới một nửa là trẻ em bị bỏng. Trẻ từ 2 – 5 tuổi rất dễ bị bỏng vì tính trẻ hiếu động, tò mò và phần nhiều do sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ.
Theo BS Nguyễn Trọng An, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), nhằm giảm thương tích và khuyết tật cho trẻ cần loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng khi trẻ không may bị bỏng. Ngâm chỗ bỏng vào nước mát, sạch hoặc để chỗ bỏng dưới vòi nước đang chảy trong vòng 20 phút (không dùng nước đá).
Tuyệt đối không được dùng mẻ, kem đánh răng, mỡ trăn để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến bệnh nặng thêm gây khó khăn trong điều trị.
Cởi bỏ quần áo trước khi phần bị bỏng sưng lên. Chú ý dùng kéo cắt bỏ quần áo trẻ nếu quần áo dính vào vết bỏng. Không được tự ý lấy bất cứ vật gì bám trên vết bỏng.
Băng nhẹ vùng bị bỏng bằng vải, băng hay gạc sạch, tránh làm vỡ nốt phồng. Tuyệt đối không dùng băng dính băng vết bỏng và bôi bất cứ thứ gì vào vết thương. Tiếp đó, ủ ấm cho trẻ, cho uống nhiều nước, cháo loãng, súp, orezon. Sau đó đưa trẻ ngay đến trung tâm y tế gần nhất.
Tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết: Phân loại bỏng và cách sơ cứu xử lý đúng!
Các bác sĩ khuyến cáo, phòng tránh bỏng cho trẻ bằng cách:
– Cha mẹ không nên sưởi ấm cho trẻ bằng cách đốt củi, lá, than… Trong trường hợp nhất thiết phải đốt than, củi sưởi ấm thì tuyệt đối không được đốt trong phòng kín và để xa tầm với của trẻ phòng tránh bỏng và ngộ độc khí CO.
– Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, ống bô xe máy nóng, diêm, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được như để trong giá, trong tủ có khóa hoặc trên bàn cao. Gia đình cần phải bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý: Để bếp lò phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong.
– Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên vừa ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ. Không cho trẻ dưới 8 tuổi tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh và luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
– Người lớn cần dạy trẻ trên 6 tuổi cách phòng tránh bỏng, xử trí bỏng đơn giản. Đặc biệt, luôn trông chừng trẻ mọi nơi, mọi lúc là cách tốt nhất để phòng tránh tất cả các loại bỏng cho trẻ.