Vitamin (còn gọi sinh tố) là những chất dinh dưỡng cần thiết cần được cung cấp hằng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Các chế phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng là những loại thuốc bổ (hay thực phẩm chức năng) đang được ưa chuộng.
Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng số vitamin cần thiết lại lên đến 13, gồm bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và chín vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…). Còn chất khoáng là các chất vô cơ được bổ sung hằng ngày. Có loại chất khoáng gọi là các nguyên tố đại lượng được cung cấp số lượng lớn như calci (Ca), phosphor (P). Có loại cung cấp rất ít gọi là các nguyên tố vi lượng như sắt (Fe), iod (I), kẽm (Zn)… Cũng giống vitamin, hằng ngày ta được cung cấp chất khoáng nhờ thực phẩm.
Với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin rất quan trọng.
Nếu hằng ngày ta ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ thì không sợ thiếu vitamin và chất khoáng. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin, đó là người ăn kiêng (người ăn chay trường), người bệnh (nhiễm trùng, phỏng, phẫu thuật), người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nghiện rượu, người hút thuốc nhiều… Đối với trẻ nhỏ, những trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn cần được bổ sung vitamin và chất khoáng. Sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy…), việc cho trẻ uống vitamin và chất khoáng cũng rất cần thiết.
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và thể trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin.
Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ về chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C không còn…). Vì vậy, nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên trẻ khỏe mạnh uống bổ sung vitamin và phải dùng đúng liều lượng.
Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn kiêng ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K (nên lưu ý, vitamin và chất khoáng không cung cấp năng lượng).
Đối với trẻ dưới bốn tháng tuổi chỉ cho trẻ bú sữa mẹ, không nên dùng thêm bất cứ loại thực phẩm nào khác, kể cả thuốc chứa vitamin và chất khoáng. Muốn bổ sung vitamin cho trẻ, người mẹ nên uống thuốc bổ và cho con bú sữa mẹ để thông qua sữa mẹ con được nhận vitamin.
Có một số phụ huynh cho trẻ dùng quá nhiều thuốc bổ dẫn đến thừa vitamin và chất khoáng, điều này rất có hại. Đặc biệt, một số phụ huynh cho trẻ dùng thuốc bổ và nghĩ rằng thuốc có thể thay thế thức ăn nên không quan tâm cho trẻ ăn uống đầy đủ. Kết quả trẻ dùng thuốc bổ mà vẫn bị suy dinh dưỡng.
Những lưu ý khi dùng thuốc bổ cho trẻ:
– Thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng không thay thế được thức ăn. Vẫn phải cho trẻ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm. Nếu thấy cần bổ sung vitamin và chất khoáng cho trẻ, nên hỏi ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn của sản phẩm thuốc để dùng đúng liều lượng. Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại và cho trẻ dùng theo quan niệm: “Không bổ dọc cũng bổ ngang”.
– Trong các loại vitamin, vitamin A và D nếu quá liều sẽ tích lũy trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Phụ nữ có thai và trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, dùng quá liều vitamin A, vitamin D sẽ rất nguy hiểm. Phụ nữ mang thai thừa vitamin A có thể dẫn đến dị tật thai. Trẻ sơ sinh thừa vitamin A sẽ bị tăng áp lực sọ não dẫn đến lồi thóp, viêm dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn. Ở nước ta, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ do uống quá liều vitamin A, D bị tác dụng phụ gây tăng áp lực sọ não, bị lồi thóp phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nếu dùng loại multivitamin (đa sinh tố) ngày uống một viên thì phải xem kỹ thành phần, thuốc không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại sirô, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng thuốc dung dịch uống, vì vừa dễ uống, vừa dễ hấp thu.
– Không nên dùng vitamin C liều cao (hơn 1g/ngày), vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày. Hiện nay có loại thuốc viên vitamin C dạng sủi bọt chứa 1g dược chất mỗi viên, không nên xem đây là nước giải khát và cho trẻ uống nhiều, vì có thể gây ngộ độc.
bé vịt đã bình luận
bé nhà em lúc sinh ra được 3kg2. Hiện tại bé được 1 tháng 16 ngày. cân nặng 5kg3.bé đang bị hăm tã. đi khám bác sĩ cho bé uống Bimoxine ngày 2 lần, mỗi lần 1/2 viên . và Clophemiramin ngày 2 lần, mỗi lần 1/3 viên. thuốc bổ HP-Liverbambi ngày 2 lần, mỗi lần 3ml. kết quả xét nghiệm máu bác sĩ bảo RBC : 3,76 là hơi thiếu máu nhẹ.nhưng em chỉ cho bé uống 2 loại ở trên thôi.không hco bé uống thuốc bổ. vì em nghĩ sữa mẹ là tốt nhất rồi. từ lúc em cho bé uống thuốc. thấy bé ngủ liên tục.khi đái và đói bé mới dậy.ở hậu môn lúc nào cũng rỉ nước màu vàng. phân như nước mũi, màu vàng.lâu lâu lại có bọt. có thuốc xanh methylen để bôi nũa ạ.bác sĩ cho em hỏi những hiện tượng trên có bình thường không ạ? và có nhất thiết phải cho bé uống thuốc không ạ?
Trần Thị Bình đã bình luận
Bé nhà em 14 tháng được 9.2 kg, lúc cháu sinh chỉ được 2.5kg, cháu biết đi từ 12 tháng, nhưng bây giờ mới chỉ mọc 3 răng, ăn được 3/4 bát cháo xay(bát ăn cơm) ngày 3 bữa đủ 4 nhóm, cháu ăn cháo không say thường bị chớ vì nuốt luôn do không nhai. Cháu vẫn còn bú mẹ Sáng, trưa, chiều tối và đêm dậy 2,3 lần bú mẹ, về đêm thi thoảng cháu hay khóc mơ ti mẹ thì hết khóc, uống thêm sữa ngoài được 120ml uống 1 đến 2 lần, thi thoảng mẹ cho ăn sữa chua và váng sữa. Cho em hỏi cháu ăn như thế có ít không và có bị Suy dinh dưỡng không? Bé có bị thiếu canxi không ạ. Xin chân thành cảm ơn!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Khi sinh nặng có 2500gr mà 14 tháng được 9,2 kg cũng là khá đấy, cần theo dõi chiều cao. Bé thiếu can-xi để cho răng, bạn cần cho bé ăn thêm pho-mai, sữa chua có Probio, uống sữa có nhiều can-xi, uống bổ sung Aquadetrim để bổ sung vitamin D, tăng cường hấp thu can-xi.
Vân đã bình luận
Chào BS!
Bé nhà e được 4 tháng tuổi, nặng 6.5kg cao 62cm, cho em hỏi như vậy có bị còi không a? Bé nhà em đã biết lật, mấy hôm nay bé nhà e ít bú (cả bú mẹ và bú bình), khi cho bú rất khó, vì mẹ đi làm rồi nên chỉ cho bé bú vào buổi trưa và đêm, nhưng trưa về cho bé bú thì bé chi ngậm rồi hóng chuyện nên rất lâu. E biết là nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn tốt nhất là đến 6 tháng nhưng do e rất ít sữa và bây giờ đi làm nên ko có điều kiện. chị cho em lời khuyên và chế độ ăn của bé nhà em được ko? Bé nhà em còn hay ra mồ hôi nhất là vùng gáy, rụng tóc hình tròn vòng quanh đầu, rất hay giật mình cả khi yên tĩnh, vậy có fai la biểu hiện thiếu canxi ko ạ? e có cho bé uống bổ sung Vitamin D bổ sung 1 giọt vào buổi sáng
Cảm ơn chị nhiều!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn không thông tin cân nặng khi sinh nên MYC tạm áp kênh chuẩn ( của bé khi sinh 3200gr), bé của bạn đạt yêu cầu về cả 2 chỉ số. Bạn nên vắt sữa để nhà cho bé ăn, thêm 1-2 bữa sữa công thức, nếu trưa bạn về được thì rất tốt, nên ăn sớm hơn khoảng 9h-9h30 để 12 h mẹ về cho bú. Bé bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thiếu vitamin D, nên cho bé tắm nắng hàng ngày, mùa này nắng sáng yếu thì nắng chiều 14h30-15h. Có thể cho bé uống bổ sung Aquadetrim (do BS kê đơn và hướng dẫn).