Sắn dây có tác dụng dược lý khá phong phú như hạ nhiệt, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giải độc, bảo hộ tế bào gan, chống lão hóa và ung thư, dự phòng tích cực tình trạng nhiễm virut đường hô hấp, nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong tình trạng thiếu ôxy…
Một số công dụng của bột sắn dây
– Viêm họng, viêm thanh quản cấp tính: Dùng dây sắn đốt chưa cháy hoàn toàn rồi đem tán bột, uống với nước.
– Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120g, gạo tẻ 15g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.
– Trẻ em bị rôm sảy do nhiệt độc của mùa hè: Bột sắn dây pha nước sôi cho chín, để nguội rồi cho uống giải khát hằng ngày.
– Vết thương chảy nhiều máu: Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương.
– Trị mụn trứng cá, mụn nhọt, hoặc uống nhiều rượu mà đi cầu ra máu, có thể dùng củ sắn dây 40gr, đậu xanh 20-30gr, hai thứ rửa sạch, nấu nước để uống hằng ngày.
– Chảy máu mũi thường xuyên: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần 1 cốc.
– Trị mụn nhọt sưng đau, viêm họng: Ngày dùng 12-16g thân sắn dây sắc uống. Nếu dùng ngoài thì đốt tồn tính, tán bột, bôi vào chỗ đau hoặc hoà với nước sạch ngậm chữa viêm họng.
– Trẻ nhỏ cảm lạnh, nôn mửa, đau đầu, quấy khóc: Sắn dây 30g giã nát, gạo tẻ 50g. Sắn dây sắc với 2 bát nước lớn, đun cạn còn 1 bát, chắt lấy nước nấu cháo với gạo, thêm chút gừng sống và mật ong, cho trẻ ăn trong ngày.
– Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nguội, độc: Củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần.
– Trị rắn cắn: Có thể lấy giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn, sau đó chuyển gấp đến bệnh viện gần nhất.
– Trị cảm mạo, sốt, không mồ hôi: Sắn dây 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g; cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
– Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, nôn ọe: Bột sắn dây 12g hòa đường uống; hoặc dùng sắn dây 20g, đậu ván 12g, giã dập, sắc nước uống trong ngày.
– Giải rượu: Cho uống nước vắt từ củ sắn dây (đã gọt vỏ và rửa sạch), thêm ít muối. Hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để ăn.
– Thanh nhiệt cơ thể: Trong những ngày hè nắng nóng, uống hỗn hợp bột củ sắn dây đem pha với nước lọc, đường, chanh có tác dụng làm mát “nội thất” phía trong cơ thể một cách tốt nhất.
Bột sắn dây có gây sạn thận?
Theo các chuyên gia, thành phần của bột sắn dây chủ yếu là tinh bột, không có quá nhiều chất kali, nên khả năng gây sạn thận là rất ít.
Bột sắn dây có uống chung với mật ong được không?
Bột sắn dây khi uống cùng với mật ong cũng không nguy hiểm như một số người nghĩ, bởi 2 thức này không nằm trong nhóm tương phản nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa có nhiều lời khuyên còn dùng bột sắn dây để kết hợp chữa bệnh viêm loét dạ dày.
Những lưu ý khi uống nước sắn dây với phụ nữ mang thai
Khi uống bột sắn dây cũng như những thức uống mát khác trong thai kỳ, phụ nữ mang thai cũng cần phải lưu ý: nếu cơ thể bạn đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt nhưng nếu bạn thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì bạn không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể bạn làm bạn mệt mỏi hơn, cũng có một vài lưu ý với những thai phụ bị động thai mà do dạ con co bóp nhiều thì đặc biệt không được uống nước bột sắn và các loại nước có tính hàn cao.
Hơn nữa cái gì nhiều quá cũng không tốt, vì thế bạn không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày. Bạn cũng không nên uống nước sắn dây sống mà bạn nên đun chín. Bạn chỉ nên cho 1 chút đường, không nên cho quá nhiều đường vì uống đường nhiều cũng không tốt cho thai kỳ.
Những lưu ý khi dùng bột sắn dây đối với trẻ nhỏ
Đối với trẻ em, bột sắn dây là một dạng tinh bột lọc ra từ cây sắn dây và ở dạng “sống”, có tính hàn rất mạnh. Các bộ phận của trẻ em nhìn chung còn yếu ớt nên nếu dùng sống sẽ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn sẽ làm cho tính hàn giảm bớt, đồng thời vừa dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn.