Y học - Bệnh lý

Bạn biết gì về huyết trắng?

Ngày: 03-12-2012

Bạn là người rất quan tâm đến sức khỏe của mình, nhưng liệu bạn đã hiểu hết về cơ thể nhỏ bé của mình chưa? Khi nào được coi là hiện tượng sức khỏe bình thường, khi nào là hiện tượng bệnh lý cần sự can thiệp của các bài thuốc đông y và phương pháp y học hiện đại? Đối với nữ giới, mối quan tâm đó càng được nhân lên khi bước vào lứa tuổi dậy thì và bắt đầu có sự xuất hiện của huyết trắng (dân gian thường gọi là khí hư). Đây là một tình trạng bình thường của cơ thể nhưng nhớ đừng chủ quan vì đôi lúc có những biểu hiện bất thường, đó là biểu hiện của bệnh lý đấy nhé!

Bạn biết gì về huyết trắng? - Y học - Bệnh lý - huyết trắng - Sức khỏe phụ nữ - Sức khỏe sinh sản

1. Huyết trắng là gì?

Huyết trắng là dịch tiết từ đường sinh dục, có thể gặp trong các giai đoạn khác nhau của nữ giới(thiếu nữ, tuổi hoạt động tình dục, mãn kinh). Huyết trắng là dạng dịch trong, nhầy, không màu và được gọi là huyết trắng để phân biệt với máu. Thông thường, huyết trắng được tiết ra ổn định dựa vào sự bài tiết hormone estrogen và progesteron trong cơ thể người phụ nữ, trước ngày rụng trứng khoảng 1 ngày thì lượng huyết trắng ra nhiều nhất.

2. Vai trò của huyết trắng

Huyết trắng có vai trò quan trọng trong việc bôi trơn và giữ cho môi trường âm đạo có độ ẩm nhất định giúp ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng di chuyển đến tử cung. Tuy nhiên khi nhiều mầm bệnh tấn công vượt quá khả năng bảo vệ của loại dịch này dẫn đến viêm nhiễm.

3. Phân biệt và nhận dạng huyết trắng

Huyết trắng được phân thành hai loại như sau:

– Huyết trắng sinh lý: có tính chất thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, thường có vào ngày rụng trứng hoặc kích thích tình dục. Đặc điểm của loại huyết trắng này là không có mùi hôi hoặc vị hơi tanh, có màu trắng trong, dai và có thể kéo thành sợi, không gây ngứa ngáy khó chịu. Huyết trắng sinh lý có nhiều hay ít là tuỳ ở lượng nội tiết tố estrogen của từng người. Nếu estrogen cao thì bạn có nhiều huyết trắng và ngược lại. Sau rụng trứng, lượng nội tiết tố estrogen tăng lên, ức chế việc tăng tiết chất nhầy ở cổ tử cung, khiến huyết trắng có màu trắng sữa, sánh đặc và dính hơn.

– Huyết trắng sinh lý thường chứa 108-1012 vi khuẩn/ml, trong đó có trực khuẩn Doderlein và các loại vi khuẩn khác, gồm cả loại không gây bệnh và gây bệnh. Vì lý do này, huyết trắng sinh lý không phải là bệnh tật gì cả nên hoàn toàn không cần điều trị, chỉ cần vệ sinh tắm rửa bằng nước sạch, thay đồ lót hàng ngày, giữ “vùng kín” sạch sẽ, khô thoáng.

– Huyết trắng bệnh lý: khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo và viêm nhiễm cơ quan sinh dục sẽ dẫn tới bệnh huyết trắng, gây nên các biểu hiện như ngứa, đau rát ở vùng âm hộ, âm đạo, tiểu gắt, giao hợp đau. Huyết trắng bệnh lý có màu vàng, xanh hoặc trắng đục, đóng thành váng và có mùi hôi khó chịu. Đây là yếu tố gây viêm âm đạo, cổ tử cung, tử cung, biểu hiện phức tạp và nguy hiểm.

4. Nguyên nhân gây bệnh huyết trắng

Có 3 nguyên nhân chính gây ra bệnh huyết trắng là vi khuẩn, nấm và trùng roi (Trichomonas vaginalis).

– Huyết trắng do vi khuẩn: Màu xám trắng, loãng, có mùi hôi như cá ươn, đặc biệt mùi hôi nhiều hơn sau khi giao hợp.

–  Huyết trắng do nấm(chủ yếu là Candida albicans): Màu trắng đục như váng sữa, dính thành từng mảng, có lúc có mùi hôi, kèm theo triệu chứng ngứa điển hình ở âm hộ. Nấm lây truyền qua đường tình dục, sử dụng thuốc kháng sinh lâu ngày, vệ sinh kém, người bị đái tháo đường hoặc thụt rửa âm đạo không đúng cách…

– Huyết trắng do nhiễm Trichomonas Vaginalis: Màu vàng-xanh, loãng, có bọt với số lượng nhiều, mùi hôi kèm theo triệu chứng ngứa rát âm hộ. Phụ nữ bị huyết trắng do lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và có khả năng lây bệnh cho bạn tình.

Ở một số người, nguyên nhân gây nên bệnh huyết có thể do viêm lộ tuyến tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung….

5. Bệnh huyết trắng có nguy hiểm không?

Đây là bệnh đã chữa trị khỏi và không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ. Nếu nhẹ bệnh gây phiền toái và cảm giác khó chịu hoặc khó khăn trong sinh hoạt vợ chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Nếu bệnh kéo dài sẽ lây lan tái phát nhiều lần và dẫn đến nguy cơ vô sinh, ung thư cổ tử cung, thai phụ sinh khó, dễ sẩy thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*