Trẻ tiếp xúc lâu với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao nếu không uống đủ nước dễ dẫn đến kiệt sức hoặc đột quỵ do mất nước, có thể dẫn đến tử vong.
Theo tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và độ ẩm cao mà không được nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ, trẻ rất dễ bị mất nước. Do diện tích bề mặt da so với trọng lượng cơ thể trẻ chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với người lớn nên việc bị mất nước sẽ nguy hiểm hơn người lớn.
Khi bị mất nước, do sức nóng, cơ thể dễ rơi vào ba trạng thái. Trong đó, nhẹ nhất là bị “chuột rút” làm đau vùng cơ bụng, cánh tay hoặc cẳng chân. Nặng hơn một chút là kiệt sức do sức nóng: chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, yếu người, đau cơ và đôi khi mất luôn tri giác. Nguy hiểm nhất chính là cơn đột qụy do sức nóng, thường xảy ra ở nhiệt độ 40 độ C trở lên, với các triệu chứng: buồn nôn, ói mửa, động kinh co giật, mất định hướng hoặc nói nhảm, không đổ mồ hôi được nữa, thở ngắn hơi, mất tri giác và hôn mê. Kiệt sức do nóng và cơn đột quỵ do sức nóng cần phải được chăm sóc y tế ngay tức khắc, nếu không có thể gây tử vong.
Do mải chơi, rất nhiều trẻ không chú ý tới thời tiết, nên việc mất nước rất hay xảy ra. Để phòng tránh, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ uống đủ nước trước khi luyện tập hoặc chơi thể thao. Trong quá trình chơi nên thỉnh thoảng nghỉ ngơi và uống bổ sung nước, ngay cả khi chưa thấy khát nước.