Ngày nay, bạn có thể dễ dàng chọn lựa các loại thực phẩm cho bé hàng ngày từ chợ hay siêu thị. Để tiện lợi, nhiều bà mẹ thường tin tưởng và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp được chế biến sẵn.
Tuy nhiên, khi chọn đồ hộp bạn nên lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, phải đảm bảo chất lượng, thời gian sử dụng cũng như các thành phần dinh dưỡng được chú thích trên sản phẩm.
Thứ hai, đồ hộp dành cho bé được đánh dấu theo độ tuổi, chẳng hạn, giai đoạn 1 dành cho bé mới ăn dặm; giai đoạn 2-3 dành cho bé 1-2 tuổi và bé lớn hơn. Với bé mới ăn dặm, đồ hộp được chế biến mịn, nhuyễn. Giai đoạn 2, độ đặc và độ lổn nhổn tăng lên và đến giai đoạn 3 là thức ăn lổn nhổn hoàn toàn.
Thứ ba, hãy kiểm tra cẩn thận hạn đồ hộp và đảm bảo chỗ dán còn kín, ở giữa nắp đồ hộp có dạng hơi lõm xuống. Khi chọn mua đồ hộp cho con, bạn đừng sợ chúng sẽ nhiều muối vì các hãng sản xuất hầu như không thêm muối vào đồ hộp dành cho các bé. Thay vào đó, hãy tránh những loại được thêm đường hay tinh bột, những loại ít kalo. Tốt hơn cả, nên mua đồ hộp dành cho bé riêng biệt (chẳng hạn, cà chua) thay vì kết hợp (cà chua và thịt bò; khoai tây thay vì khoai tây và đậu đỗ).
Thứ tư, đồ hộp sau khi được mở nắp, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng để chế biến làm đồ ăn cho bé tối đa không quá 24 tiếng với các loại thịt, cá và không quá 48 tiếng với các loại rau củ. Bạn cũng nên tham khảo hướng dẫn thời gian sử dụng đồ hộp sau khi mở nắp được ghi chú bên ngoài vỏ nếu có.
Đồ hộp đông lạnh để lâu cũng dễ bị thay đổi hay phân hủy các thành phần dinh dưỡng có lợi. Hơn nữa, qua quá trình chế biến và sử dụng nhiều lần, đồ hộp vô tình là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe bé.
Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên đi chợ một lần. chọn mua cá loại thực phẩm tươi sống và sử dụng để chế biến bữa ăn cho bé mỗi ngày. Nếu điều kiện hạn chế, bạn cũng có thể sơ chế qua và rửa sạch sẽ thực phẩm, sau đó bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần trong khoảng 2-3 ngày.
Hâm nóng thức ăn hộp bằng lò vi sóng
Có thể dùng lò vi sóng khi hâm nóng thức ăn cho con nhưng bạn cần cẩn thận. Thực phẩm hâm trong lò vi sóng thường nhanh nóng, thậm chí là quá nóng. Vì thế, một cách hâm nóng thức ăn hộp cho con là đặt hộp thức ăn trong một bát nước nóng. Nhấc hộp khỏi bát nước nóng rồi đặt ra ngoài vài phút cho đến khi hộp ấm là được.
Nếu hâm trong lò vi sóng, bạn phải cho thức ăn trong hộp ra một chiếc bát (đĩa) – loại an toàn với lò vi sóng và hâm nóng trong vài giây. Sau khi bỏ thức ăn ra, hãy khuấy đều trong ít phút. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn trước khi bạn cho con ăn.
Thức ăn tự chế biến
Trước tiên, bạn phải rửa sạch tay và các dụng cụ để chế biến thực phẩm. Tiếp đến, tùy từng loại thực phẩm, bạn nên có cách sơ chế và làm sạch khác nhau. Để tránh làm mất các loại vitamin và khoáng chất khi đun nấu, bạn hãy đợi nước sôi rồi mới cho rau vào, không nấu quá lâu và cho bé dùng ngay sau khi nấu chín.
Với các loại gạo hay ngũ cốc, bạn nên say mịn trước khi sử dụng để nấu cháo cho bé ăn. Với các loại thịt động vật, bạn nên loại bỏ lớp bì hay lớp mỡ thừa trước khi cho vào nồi nấu. Không cần thêm đường hay bất kỳ một chất phụ gia nào vào đồ ăn dành cho bé.
Thịt, trứng, cá… dành cho bé vẫn tươi ngon sau 24 tiếng nếu được bảo quản trong tủ lạnh. Thức ăn để trong ngăn đá của tủ lạnh vẫn đảm bảo chất lượng sau 1-2 tháng (với rau, quả, cách bảo quản này có độ an toàn lên tới 6 tháng).
Lưu ý với phủ tạng động vật
Một số bà mẹ quan niệm rằng cho bé ăn các loại phủ tạng động vật như tim (gan, lòng, lòng…) sẽ rất tốt. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận vì một số loại phủ tạng động vật chứa rất nhiều protein, đặc biệt là cholestorol khiến cơ thể bé không hấp thu được. Dù vậy, phủ tạng động vật lại chứa nhiều đạm và nhiều dưỡng chất khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của bé. Vì vậy, bạn nên cho bé ăn một lượng vừa phải phủ tạng động vật, khoảng 1 tuần / 1 lần là được.
Bạn cũng nên thận trọng với một số loại rau quả rất dễ nhiễm nhiều thuốc trừ sâu hay hóa chất bảo quản như quýt, táo, lê…
Theo Mẹ và bé