Trong thế kỷ qua, loài người đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của y học toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày, giúp giảm tử vong, nâng cao sức khỏe con người, và đặc biệt đã chuyển y khoa từ chống lại bệnh tật một cách thụ động dần sang phòng bệnh chủ động.Trẻ em là một trong những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tiến bộ này, đặc biệt là chương trình tiêm chủng giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng trên, các bệnh lý nhiễm trùng vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Theo thống kê, tử vong trong giai đoạn sơ sinh (trong đó đa số là nhiễm trùng sơ sinh), nhiễm khuẩn hô hấp cấp và tiêu chảy là nguyên nhân của hơn 2/3 trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Làm sao ngăn ngừa nhiễm trùng cho trẻ từ rất sớm? Bằng phương cách nào khác ngoài những biện pháp đã biết? Đó là những câu hỏi đã thúc giục các nhà nghiên cứu tìm tòi vũ khí mới cho cuộc chiến chống nhiễm trùng cho trẻ em, đặc biệt là ở sơ sinh và trẻ nhỏ.
Đặc điểm hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh
Khi trẻ vừa sinh ra, tuy hình hài đã có đủ các bộ phận nhưng chức năng của các cơ quan trong cơ thể vẫn còn phải hoàn thiện dần. Hệ miễn dịch, hệ thống bảo vệ của trẻ, cũng tuân theo quy luật này. Hệ thống miễn dịch nằm rải rác trong người của bé, từ vùng hầu họng, xuống tuyến ức, tới lách, đường ruột và hệ thống bạch huyết rộng khắp, đóng vai trò như những “cổng thành” đêm ngày canh gác, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Như đã nói, do còn non nớt và chưa được tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nhiều, nên hiệu quả của “hệ thống canh gác” này còn rất hạn chế. Mặt khác, trong giai đoạn bào thai, hệ thống miễn dịch của bé phát triển mạnh về hướng chống bị đào thải, hơn là chống nhiễm trùng, làm cho sự bảo vệ bé trong những ngày tháng đầu đời càng thêm yếu ớt. Trong bối cảnh phải tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, nhiều tác nhân gây bệnh “chực chờ” xâm nhập, với một hệ thống bảo vệ cơ thể chưa kịp hoàn chỉnh để đối phó, trẻ nhỏ thực sự phải đối mặt với nguy cơ rất lớn về các bệnh nhiễm trùng.
Tăng cường hệ miễn dịch thông qua dinh dưỡng: cơ hội nào cho bé?
Trong hệ thống bảo vệ cơ thể bé, ruột là cơ quan chứa đến 70-80% tế bào miễn dịch, biến nơi này trở thành “đại bản doanh” của mạng lưới bảo vệ cho trẻ. Hơn nữa, trong những ngày tháng đầu đời, ống tiêu hóa là một trong các cơ quan trong cơ thể trẻ phải tiếp xúc với rất nhiều tác nhân lạ cũng như vi sinh vật gây bệnh, nên việc tăng cường miễn dịch cho bé thông qua đường tiêu hóa là phương pháp hợp lý và hứa hẹn hiệu quả cao.
Probiotic: lấy vi khuẩn ngăn chặn vi khuẩn
Đường ruột của trẻ không hoàn toàn vô trùng, mà ngược lại, có chứa đến hơn 400 loại vi khuẩn thường trú khác nhau. Các vi khuẩn này được chia làm 3 nhóm: nhóm có lợi, nhóm tiềm ẩn gây bệnh và nhóm trung gian, dựa trên tác động của chúng lên cơ thể trẻ. May thay, nhóm vi khuẩn có lợi chiếm tỷ lệ áp đảo và lấn áp vi khuẩn gây bệnh, giúp đường ruột của trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra, hệ thống vi khuẩn có lợi này còn giúp đường ruột trẻ tiêu hóa, hấp thu và tổng hợp các vitamin cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
Thông qua rất nhiều nghiên cứu công phu đã cho thấy việc cung cấp các vi khuẩn có lợi sẽ giúp đường ruột của bé tăng cường miễn dịch, cụ thể là giúp phòng ngừa và điều trị tiêu chảy, giảm tần suất viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh, giảm đau quặn bụng ở trẻ nhỏ, …Ngoài ra, sự cân bằng của hệ miễn dịch trẻ cũng giúp giảm các bệnh lý dị ứng như dị ứng thức ăn, hen suyễn, chàm da sau này. Phương pháp cung cấp vi khuẩn có lợi không gì đơn giản và hiệu quả hơn, chính là tăng cường cho bú sữa mẹ. Trong mỗi 800ml sữa mẹ đã được chứng minh có từ 100.000 đến 10.000.000 vi khuẩn có lợi giúp cho hệ vi khuẩn đường ruột bé khỏe mạnh.
Probiotic chính là những chủng vi khuẩn có lợi còn sống đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và chứng minh trên lâm sàng là sẽ mang lại lợi ích cho trẻ, khi được cung cấp vào cơ thể trẻ với liều lượng thích hợp. Việc bổ sung probiotic sớm, nhất là ở những trẻ có hệ vi khuẩn đường ruột không cân bằng như trẻ sinh mổ, sinh non, phải nằm viện kéo dài hoặc phải dùng kháng sinh kéo dài, … là điều hết sức cần thiết, nếu trẻ không có sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ. Ở những đối tượng không có đủ sữa mẹ này, probiotic cung cấp qua sữa công thức là biện pháp dễ làm, thực hiện mỗi ngày và lâu dài và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Tóm lại, việc củng cố hệ thống miễn dịch đường ruột cho trẻ nhỏ là biện pháp cần thiết giúp trẻ chống lại các bệnh lý nhiễm trùng trong những ngày tháng đầu đời. Tăng cường bú mẹ là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất giúp đường ruột trẻ khỏe mạnh thông qua việc cung cấp vi khuẩn đường ruột có lợi. Probiotic là lựa chọn hợp lý cho những trẻ không đủ sữa mẹ, giúp tăng cường miễn dịch cũng như phòng ngừa các bệnh dị ứng về sau.
TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Đại học Y Dược TP.HCM