Bí quyết nào có thể giúp mẹ cai sữa dễ dàng cho bé, cai sữa như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con… là nỗi băn khoăn của các bà mẹ trẻ.
Dưới đây là một số bí quyết giúp mẹ có phương pháp đúng khi cai sữa mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của con:
Cai sữa khi bé tròn 24 tháng tuổi
Đây là tiêu chuẩn được Bộ y tế khuyến cáo. Tuy nhiên vì một số lý do mà các bà mẹ có thể sẽ phải cai sữa cho con sớm hơn.
Các bà mẹ cần biết rằng, việc cai sữa cho con trước 12 tháng sẽ gây thiệt thòi nhiều cho bé, bởi sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo chứa các kháng thể giúp bé phòng chống bệnh tật. Việc bổ sung quá sớm các thực phẩm khác rất dễ gây tiêu chảy cho bé do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ nên khả năng tiêu hóa, hấp thu kém, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, nếu không thể cho con bú đến 24 tháng thì trẻ được 12 tháng tuổi mẹ mới nên cai sữa cho bé.
Không cai sữa đột ngột
Mẹ không nên cai sữa đột ngột vì dễ làm cho trẻ bị sang chấn tinh thần và dễ sinh biếng ăn. Với trẻ nhỏ, bú mẹ không chỉ là một nhu cầu ăn uống mà còn là một nhu cầu tình cảm, muốn được mẹ ôm ấp, bế ẵm. Vì vậy, đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú có thể khiến trẻ bị sốc. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1.
Mẹ nên cho bé bú đến 24 tháng tuổi
Cho bé làm quen với nhiều món ăn hấp dẫn
Khi cai sữa cho bé, bên cạnh việc giảm bú từ từ cho trẻ, mẹ hãy cho trẻ làm quen với nhiều món ăn mới. Khi trẻ thích thú với những món ăn khoái khẩu, việc cai sữa cũng trở nên dễ dàng hơn, lại đảm bảo được dinh dưỡng cho bé.
Không cai sữa cho bé khi thời tiết xấu
Không nên cai sữa cho bé vào mùa hè trời quá nóng hoặc mùa đông quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Thời tiết xấu có thể khiến bé mệt mỏi cộng với sự thay đổi thói quen ăn uống dễ làm trẻ ốm.
Không cai sữa khi bé ốm
Tránh nhất là cai sữa khi trẻ ốm vì đây là lúc trẻ thường hay biếng ăn nên sẽ khó thích nghi với chế độ ăn mới. Đặc biệt, với trẻ bị tiêu chảy thì càng bất lợi vì hệ tiêu hóa của trẻ vốn non yếu nay lại bị bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn giảm sút, bệnh tiêu chảy dễ nặng thêm, trẻ càng biếng ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng. Lúc này sữa mẹ sẽ là thực ẩm an toàn và tốt nhất cho bé.
Mặt khác, khi trẻ ốm, trẻ có nhu cầu tình cảm được mẹ ôm ấp, bế nựng và bú mẹ. Bú mẹ sẽ giúp bé bớt quấy khóc và ngủ ngon hơn.
“Hóa trang” ti mẹ
Hóa trang ti mẹ là những bí quyết mà các bà mẹ có thể truyền tai nhau vì mỗi mẹ đều có những bí quyết riêng giúp dễ dàng cai sữa cho bé. Một số bí quyết được các mẹ chia sẻ rất hữu hiệu như: bôi 1 chút ớt (đủ để làm bé sợ chứ không làm bỏng môi bé), bôi 1 chút dầu, bôi son đỏ… có thể khiến bé ‘bai bai’ ti mẹ.
Tạm thời cách ly bé với mẹ
Mẹ có thể lên kế hoạch gửi bé về nhà bà nội/bà ngoại một thời gian hoặc cho bé ngủ riêng để bé giảm dần việc bú mẹ.
Mặc dù cai sữa cho con các bà mẹ sẽ rất sốt ruột khi con quấy khóc nhưng các mẹ hãy kiên trì, cộng thêm một chút kiên quyết vì thay đổi này sẽ giúp cho bé trưởng thành hơn. Chúc các mẹ cai sữa cho bé thành công!