Trẻ bị hen suyễn, tim mạch, biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng… có nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy cao do sức đề kháng kém. Đặc biệt, khi nhiễm bệnh, nhóm trẻ này gặp nguy hiểm và nằm viện lâu hơn.
Trung bình, mỗi ngày, số bệnh nhân nằm điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM trên dưới 100. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi cũng tương tự. Trong khi đó, từ đầu năm, Hà Nội có gần 500 ca nhiễm và nghi nhiễm sốt xuất huyết. Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cảnh báo dịch tiêu chảy cấp cũng đang diễn biến phức tạp và lan rộng tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, 2 căn bệnh này dễ gây tử vong cho trẻ.
Theo Ths.BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, để phòng bệnh sốt xuất huyết, bạn phải diệt lăng quăng; vệ sinh môi trường; dọn dẹp các vật dụng chứa nước quanh nhà; chú ý đến những hốc tối, chỗ để quần áo. Ngoài ra, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo tay dài và mang tất, sử dụng nhang muỗi, thuốc tránh muỗi bôi ngoài da phù hợp.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến mức độ an toàn, vệ sinh thực phẩm. Bạn phải rửa tay trước khi cho trẻ ăn; tạo thói quen cho bé rửa tay trước và sau khi ăn; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến đồ ăn; bảo quản thực phẩm an toàn, vệ sinh.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt nhấn mạnh việc cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cân đối dưỡng chất giúp bé tăng sức đề kháng để phòng, chống bệnh tật đồng thời hỗ trợ sự tăng trưởng, phát triển.
Đối với trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết, gia đình có thể chăm bệnh nhân tại nhà bằng cách cho trẻ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Bạn nên cho trẻ ăn nhẹ như cháo, súp, sữa hoặc chọn những thức ăn con thích. Nếu bé ăn ít, nên cho ăn nhiều lần. Đặc biệt, trẻ cần được uống nhiều nước, có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước cam… Tuy nhiên, không nên cho con dùng thức ăn, đồ uống màu đen hoặc đỏ. Khi bé bị nôn, bạn khó xác định những thực phẩm này là máu hay thức ăn.
Trường hợp mắc bệnh tiêu chảy cấp, nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn, bạn cho trẻ dùng ít hơn và chia nhỏ các bữa ăn. Với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, nên tiếp tục cho chúng ăn cháo, thịt, rau, quả củ, sữa chua, trái cây…; không nên bắt chúng nhịn ăn hoặc chỉ cho ăn cháo muối. Điều này khiến bé bị kéo dài tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Khi con bớt tiêu chảy, ăn ngon miệng hơn, có thể cho chúng thêm bữa, số lượng thức ăn để con có thể bù phần năng lượng thiếu hụt, phòng suy dinh dưỡng.
Đa số phụ huynh khi thấy trẻ bị bệnh, không muốn ăn, sẽ để trẻ ăn bù sau khi khỏi bệnh. Điều này làm trẻ yếu hơn vì không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết khi bị ốm. Do đó, phụ huynh nên cố gắng cho trẻ dùng những loại thực phẩm có công thức dinh dưỡng đầy đủ và cân đối trong thời gian bị bệnh. Những loại thức ăn này giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe.