Có một thực tế là các bà mẹ rất thích con mình bụ bẫm, tròn lẳn. Như trường hợp của bé Bon (nhà ở quận Tây Hồ), mới 3 tháng tuổi nhưng mẹ đã cho ăn nước cháo pha với sữa ngày 2 bữa cộng với 1 bữa bột dặm. Khi 4 tháng tuổi thì hầu như mẹ Bon chế biến cho con ăn tất cả thức ăn như của người lớn.
Ai nhìn thấy Bon cũng khen Bon bụ bẫm, đáng yêu. Là bé gái nhưng 6 tháng tuổi Bon đã nặng 9,3 kg mà chưa mọc chiếc răng nào. Người Bon tròn lủng nhưng lại không cứng cáp. Sốt ruột quá, bố mẹ cho Bon đi khám dinh dưỡng thì được bác sỹ kết luận còi xương thể bụ, cơ thể thiếu vitamin D, canxi và kẽm.
Trường hợp của bé Bon là lời cảnh báo cho các bà mẹ khi cho con ăn dặm quá sớm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn dặm sớm có liên quan đến những vấn đề sức khỏe của bé sau này như béo phì, trục trặc ở hệ hô hấp như hen suyễn hay dị ứng thức ăn. Khoảng 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé mới bắt đầu tiết ra một enzyme, gọi là amylase, cần thiết cho việc tiêu hóa bột ăn dặm (chất tinh bột và carbonhydrate).
Mấy hôm nay bé Kun ngủ không thẳng giấc, ra nhiều mồ hôi trộm. Đó là dấu hiệu bé thiếu canxi nhưng mẹ Kun lại cứ đổi tại do Kun đói nên ngủ không sâu giấc. Thế là một chế độ dinh dưỡng mới được lên cho Kun.
Thay vì 3 bữa cháo như mọi khi, Kun được tăng cường thêm 1 bữa nữa trước khi đi ngủ. Ngoài ra, mẹ cho Kun ăn thêm hôm thì váng sữa, hôm thì sữa chua, caramen, nước hoa quả thay đổi. Bánh ăn dặm Kun được ăn thoả thích. Mẹ cũng mua cho Kun thêm lọ kẹo bổ sung vi chất kích thích ăn ngon miệng. Chưa kể mẹ con mua thêm rất nhiều hộp hoa quả ăn liền cho Kun.
Chế độ ăn mới làm Kun lên cân nhanh chóng, tay chân ngấn nghía làm cả nhà phấn khởi. 1 tuổi nhưng Kun đạt 14,2 kg. Đi khám, Kun được các bác sỹ kết luận béo phì. Bác sỹ nhắc nhở thêm, thức ăn dặm không làm trẻ no bụng, ngon giấc cả đêm. Ngược lại, một chế độ ăn giàu lipit hoặc đạm cao dễ làm trẻ béo phì và mắc bệnh.
Béo phì, thừa cân có thể làm cho trẻ mắc bệnh rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, rối loạn đường huyết lúc đói, cao huyết áp, cơ thể nặng nề ảnh hưởng tới khung xương, gây thoái hóa khớp…
Trẻ béo phì dễ cáu kỉnh, u buồn, thiếu cởi mở khi giao tiếp vì tự ti về hình thức, đôi khi trẻ còn bị bạn bè giễu cợt thì thân mình tròn lủng.
Một bác sỹ dinh dưỡng nói vui, nếu bé sơ sinh biết nói chắc bé sẽ nói rằng: “Trẻ con thật là khổ, chúng con phải ăn theo chế độ dinh dưỡng mẹ đưa ra. Mẹ mua toàn đồ hộp, những món ăn rất dễ ngấy nhưng mẹ ép con phải ăn cho bằng hết. Con mà trớ ra là mẹ bắt con phải ăn lại từ đầu.”
Theo Bác sỹ Lê Thị Hải – Viện dinh dưỡng Quốc gia: “Sai lầm hay mắc của người mẹ là ép con ăn quá nhiều, dẫn đến tình trạng lười ăn, nôn trớ của bé. Nhưng bé nào ăn được theo ý muốn của mẹ thì lại bị thừa cân béo phì, một tình trạng dinh dưỡng ngày càng gia tăng hiện nay. Điều trị một bé bị thừa cân béo phì khó hơn nhiều so với điều trị một bé suy dinh dưỡng.”
Vẫn biết rằng cha mẹ nào cũng muốn dành cho con tất cả những gì ngon nhất, tốt nhất. Nhưng hãy vì chất lượng cuộc sống của con cái trong tương lai, cha mẹ nên thiết lập một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cho trẻ.