Bé Mon đã 13 tháng, nhưng đêm nào, con cũng dạy ăn thêm sữa 2- 3 lần. Bố mẹ Mon cũng mất ngủ vì lạch cạch pha sữa cả đêm.
Lần nào Mon cũng uống từ 200ml – 300ml sữa. Bác sỹ khuyên mẹ Mon cắt cữ bú đêm, tránh nguy cơ bé bị béo phì.
Mẹ Mon đã áp dụng thử cắt cữ bú đêm của Mon mấy lần, nhưng con toàn khóc đòi ăn. Có lần, mẹ kiên quyết không cho con, bé cũng thức chơi đến sáng. Bố Mon nản quá, bảo: “Thôi kệ, béo tí cũng không sao”, nhưng mẹ Mon thì lo lắm, chẳng biết làm sao để con không ăn mà vẫn ngủ yên.
Thương con không đúng cách
Bố mẹ đừng vì thương con mà không nỡ cắt bữa đêm của con. Vì ban đêm, bộ máy con người, dù trẻ nhỏ hay người lớn, đều cần được nghỉ ngơi để “hồi sức” sau một ngày hoạt động. Do đó, bú đêm hay ăn đêm quá nhiều sẽ là gánh nặng cho cơ quan tiêu hóa, dễ khiến bé bị sâu răng.
Hơn nữa, ban đêm, là thời gian mà các hoocmon được sản sinh ra nhiều nhất. Do đó, thức dậy nhiều lần sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của bé.
Khi con khóc đòi ăn đêm, bố mẹ cũng phải cương quyết với con một chút. Nếu bé khóc đòi ăn, bố mẹ đừng cho con bú hoặc uống sữa luôn. Hãy bế con lên và ru con ngủ, vỗ về con để giúp con ngủ ngon giấc.
Hoặc bố mẹ có thể giảm bớt khẩu phần ăn của con theo từng đêm. Ví dụ như từ 2 – 3 lần/ đêm giảm còn 1 – 2 lần, từ 200ml xuống 150ml, 100, 50ml… Thậm chí, có thể thay sữa bằng nước lọc để con quen dần với việc sẽ bị “cắt bữa đêm”. Nhưng việc cho bé uống nước lọc giúp mẹ dễ ru bé ngủ hơn nhiều lắm!
Đa số các bé bú đêm, ăn đêm là do thói quen được bố mẹ tập cho từ thởu bé. Bé ăn đêm không phải vì bé bị đói. Theo các nghiên cứu khoa học, với các bé có đủ chiều cao và cân nặng, mẹ có thể cắt bữa đêm của bé từ tháng thứ 6. Bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm cắt bữa đêm cho bé mà không lo con bị nhẹ cân hay kém phát triển.
Thói quen ăn đêm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé!
Bố mẹ cũng đừng quên xem ban ngày bé ăn đã đủ bữa, đủ nhu cầu chưa. Vì bé đòi ăn đêm cũng có nghĩa là bé ăn ban ngày chưa đủ nhu cầu. Các bé đòi ăn đêm “dữ dội” vì ban ngày, bé ăn ít hơn so với bình thường. Bé ăn đêm quá nhiều, dĩ nhiên, các bữa chính trong ngày sẽ phải nhường chỗ ít nhiều… tất cả những điều đó khiến mẹ phải tập dần cho bé bỏ thói quen bú, ăn đêm khi bé lớn dần. Điều này có lợi cho cả bé, mẹ và cả gia đình!
Nhiều bé rất lười, chỉ thích nằm và cầm bình sữa để tu tu thôi, nhưng khi bé đã biết ngồi và có thể ngồi vững, mẹ hãy luyện cho bé việc ngồi để măm sữa nhé. Điều này không chỉ giúp bé tự lập, trưởng thành hơn, mà còn góp phần giúp bé từ bỏ thói quen ban đêm nằm, mắt nhắm mắt mở là đòi ty mẹ!
Tất nhiên, việc cắt bữa đêm của bé, bố mẹ không nên nóng vội. Phải mất một thời gian dài, bé mới có thể quen được.
Thời gian biểu ăn lý tưởng cho con
Nhiều mẹ chia sẻ về thời gian biểu ăn lý tưởng cho con trong một ngày. Bữa sữa đầu tiên, mẹ nên cho con ăn khoảng 6 giờ sáng. Bữa sáng chính, vào lúc 8 giờ. Bữa trưa, vào lúc khoảng 12 giờ. Bữa sữa đệm, từ 3 đến 4 giờ chiều. Bữa tối, khoảng 6 giờ và một bình sữa kết thúc một ngày của bé sẽ vào khoảng 10 giờ tối.
Đặc biệt, vào bữa tối lúc 6 giờ, mẹ nên để tâm một chút, chế biến những món bé thích để bé ăn được nhiều và ngon miệng. Một bữa tối no và đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bé ngủ ngon hơn trong đêm và không thức dậy vì đói.
Với những bé háu ăn, nố mẹ có thể thử cho con ăn thêm bữa cháo/bột vào lúc 8 giờ tối trước khi đi ngủ. Ăn no khiến bé sẽ ngủ ngon giấc hơn. Với mùa đông, các bé cũng cần ăn nhiều để tập trung năng lượng, tạo nhiệt chống lạnh.
Trong quá trình áp dụng lịch ăn trên với bé, bạn hãy quan sát, theo dõi để điều chỉnh liều lượng sao cho thích hợp nhất với yêu cầu của con trẻ.