Khi trẻ ăn dặm, lượng chất sắt hấp thụ từ sữa mẹ trở nên giảm đi. Do đó, cần đảm bảo chất sắt trong chế độ ăn của trẻ. Và một trong những nguồn tốt nhất của sắt chính là thịt (đặc biệt là thịt bò và thịt cừu).
Phân loại thịt
Thịt được chia làm ba loại dựa theo màu sắc:
– Loại thứ nhất: Thịt có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm như thịt lợn, thịt bò và thịt dê.
– Loại thứ hai: Thịt có màu trắng nhạt như thịt gà, thịt vịt, thịt cá.
– Loại thứ ba: Gần như không có màu sắc như các loại sò.
Thịt bò
– Thịt bò nhiều protein, mà protein trong thịt bò lại khó tiêu hóa hơn so với một số loại thịt khác như thịt lợn, thịt gà,… nên bạn chưa nên cho bé ăn thịt bò trong giai đoạn mới ăn bổ sung. Bạn có thể cho bé ăn thịt bò khi bé đã được khoảng 8 tháng tuổi.
– Khi chế biến, bạn có thể dùng máy sinh tố xay thịt bò sống với một chút nước (hoặc nước xương) đến khi thịt gần mịn thì cho thêm rau xanh vào xay cùng. Dùng hỗn hợp này nấu bột cho bé.
– Ngoài ra, có thể dùng cách hấp thịt bò (cách này có tác dụng tránh hao hụt vitamin có trong thịt). Sau đó, cho thịt bò đã hấp chín vào máy xay (hoặc có thể băm nhuyễn thịt bò, nếu băm nhuyễn nên dùng rây (dụng cụ rây bột – lọc bột), rây lại thịt để thịt không còn những cục bã). Tiếp đến, nấu thịt bò với bột và cháo của bé theo cách thông thường, tức là chờ khi bột hoặc cháo của bé đã chín thì đổ thịt và rau xanh băm nhuyễn vào nồi cháo (hoặc bột), chờ sôi lại là được.
– Thực phẩm có thể kết hợp với thịt bò là: súp lơ xanh, cà rốt, khoai tây, đậu đỗ, khoai lang…
Lưu ý
Lúc đầu, chỉ nên cho bé ăn khoảng nửa thìa cà phê thịt bò băm nhuyễn. Sau đó, có thể tăng dần lên 1-2 thìa cà phê thịt bò hoặc nhiều hơn, tùy theo độ tuổi của bé.
Thịt lợn
– Thịt lợn giàu protein, vitamin A, C, B1 và B2. Ngoài ra, thịt lợn cũng chứa nhiều canxi, chất sắt, phốtpho… Các chuyên gia dinh dưỡng ở Canada, châu Âu gợi ý, bé có thể làm quen với thịt lợn ngay khi bước vào độ tuổi ăn dặm (thường 6 tháng tuổi). Lý do là vì trong thịt lợn có chứa sắt heme (heme iron) – dễ hấp thu hơn so với chất sắt ở thịt bò.
Lưu ý
– Khi chế biến nên loại bỏ hết mỡ, bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay nhuyễn.
Thịt gà
– Thịt gà chứa nhiều protein và chất sắt, là nguồn dinh dưỡng chất lượng dành cho bé. Phần ức và phần thịt nạc (lườn) của gà giàu protein, ít chất béo; phần thịt đùi gà chứa nhiều sắt và có hàm lượng chất béo cao. Thịt gà dễ tiêu hóa nhất trong số các loại thịt, nên một số chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ có thể cho bé ăn thịt gà trong giai đoạn đầu ăn dặm.
– Để chế biến thịt gà cho bé, một trong những cách tốt nhất để làm điều này là trộn thịt gà với các loại rau củ như carrot, khoai lang, bí đao… khi nấu bột cho bé: Thịt gà bỏ da, xương, băm nhuyễn, thêm nước, cho vào nồi nấu chín, lọc cho thật mịn. Dùng phần nước vừa luộc thịt gà và phần thịt gà đã được rây mịn, để nấu bột. Cách này giúp bát bột có chất liệu mềm, khiến bé dễ nuốt và hương vị ngọt của bát bột kích thích vị giác cho bé.
– Bạn cũng có thể dùng cách hấp gà, vì hấp là phương pháp giảm thiểu nguy cơ hao hụt dinh dưỡng có trong thực phẩm. Sau đó, dùng phần thịt gà đã được hấp chín, hòa thêm chút nước, xay nhuyễn. Rây lại phần thịt gà đã được xay cho thật mịn và nấu bột cho bé theo cách thông thường.
– Thực phẩm có thể trộn chung với thịt gà là: táo, nho, xoài, đu đủ, lê, đào; súp lơ xanh (bông cải xanh), cà rốt, cà tím, đậu đỗ; khoai tây, khoai lang, bí xanh, lúa gạo.
Lưu ý
– Nếu bé đã bước vào tuổi ăn bốc, có thể xắt thịt gà thành những miếng mỏng, nhỏ cùng với cà rốt, khoai tây hoặc khoai lang được nấu chín, cắt dạng hạt lựu. Hoặc có thể chọn một trong số những thức ăn trên để cho bé ăn cùng thịt gà bằng cách dùng tay bốc.
Thịt cá
– Cá chứa tất cả 9 axit amin là nguồn protein hoàn chỉnh. Cá cũng là nguồn Omega 3 tuyệt vời cho sức khỏe mà cơ thể trẻ sơ sinh đang phát triển rất cần. Các Omega 3 trong cá có tác động mạnh thực sự, với những dưỡng chất tác động đến sự phát triển của não bộ, trí thông minh và mắt của trẻ.
– Khi bắt đầu ăn dặm, bé có thể làm quen được với rất nhiều thực phẩm nhưng bé được 10 – 12 tháng tuổi mẹ mới nên cho bé ăn cá. Vì lúc này hệ thống miễn dịch cũng như hệ thống tiêu hóa của trẻ đã tương đối hoàn thiện, cơ thể bé đã được làm quen với rất nhiều những thực phẩm khác trước đó. Nếu bé có khả năng bị dị ứng với cá hoặc chính bố mẹ dị ứng với cá thì nên chờ đến khi bé được 3 tuổi mới cho bé ăn.
– Khi cho bé ăn cá lần đầu mẹ cần rút bỏ xương, nghiền nhuyễn cá rồi nấu cùng cháo. Mẹ có thể nấu bột hoặc cháo cá với khoay tây, cà rốt xay nhuyễn sẽ rất ngon.
– Một số thực phẩm tốt cho trẻ có thể chế biến cùng với cá là bông cải xanh, cà rốt, rau cải, đậu xanh, khoai tây ngọt, lúa mạch, đậu lăng…
– Khi bé đã ăn quen, mẹ nên bổ sung cá vào thực đơn cho bé mỗi tuần ít nhất là 2 lần.
Lưu ý
– Các loại cá ít gây dị ứng là cá chim, cá bơn, cá tuyết, cá hồi, cá thu… Nên tránh cho trẻ ăn những loại cá như cá kiếm, cá mập bởi chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ não cũng như hệ thống các dây thần kinh, dễ dẫn tới dị ứng, ngộ độc.
Thịt cóc
– Thịt cóc là một trong những thức ăn giàu dinh dưỡng, lượng protein cao đồng thời chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho trẻ đặc biệt có hàm lượng kẽm cao. Trẻ 6 tháng, bạn có thể cho trẻ ăn thịt cóc, khoảng 30g/01 chén cháo.
Lưu ý
– Sử dụng thịt cóc phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn vì một số bộ phận của cóc như: Gan, da có chứa độc tố gây chết người. Do đó khi làm thịt cóc nhất thiết phải loại bỏ các bộ phận có chứa độc tố và tuyệt đối không để độc tố nhiễm vào phần thịt cóc làm thức ăn cho trẻ. Nếu chế biến ở dạng ruốc có thể để trong thời gian khoảng 1 tuần – 10 ngày, còn nếu chưa chế biến thì việc bảo quản cũng giống như các thực phẩm khác.
Thịt tôm cua, các loại vỏ sò
– Tỷ lệ protein trong thịt cá là rất lớn vì vậy nó rất phù hợp với trẻ em. So với thịt cá thì canxi và magie trong thịt tôm phong phú hơn giúp cho trẻ lớn nhanh hơn.
– Tôm, cua và những loại vỏ sò được xếp vào nhóm gây dị ứng cao. Do đó, một số chuyên gia khuyên, cha mẹ nên cho bé ăn tôm khi bé được 1 tuổi – thời điểm hệ tiêu hóa và miễn dịch ở bé đã tương đối hoàn chỉnh. Nếu bé có tiền sử dị ứng với tôm, bác sĩ sẽ chỉ định thời gian an toàn cho bé ăn tôm, khoảng 2-3 tuổi.
– Nếu gia đình bạn không có ai mắc dị ứng tôm thì bạn có thể tập cho bé ăn tôm khi bé dưới 1 tuổi (nhưng ít nhất là khoảng 6-7 tháng tuổi). Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho bé ăn với số lượngít và theo dõi phản ứng của bé.
– Chế biến tôm bằng cách bóc vỏ, bỏ đầu, cho vào nồi hấp đến khi tôm chín là được. Tiếp đến, bạn băm nhuyễn tôm (có thể xào qua tôm bằng chút dầu ăn). Khi cháo đã nấu chín cùng với rau (củ), bạn cho tôm vào nồi, đánh tan ra. Chờ nồi cháo sôi lại là được.
– Bạn cũng có thể bóc vỏ, bỏ đầu, xào chín. Sau đó, bạn xay nhuyễn phần tôm chín, khuấy đều với một chút nước đun sôi để nguội cho tôm tan ra và để riêng. Chờ bột chín, cho hỗn hợp tôm vào nồi, quấy đều tay, nấu cho sôi lại. Bắc nồi xuống bếp và thêm một chút dầu ăn.
Lưu ý
– Nếu xay nhuyễn tôm khi còn sống, tôm dễ bị vón cục, gây khó khăn cho bạn khi chế biến.
– Nếu bé đã bước vào tuổi ăn bốc, bạn có thể hấp tôm, bỏ vỏ, lấy phần thịt tôm, cắt dạng hạt lựu và cho bé ăn bằng tay.
Lưu ý chung
– Thịt là một loại thực phẩm chứa lượng protein cao, nếu ăn nhiều có thể gây nên gánh nặng cho thận của bé.Vì vậy, bạn chỉ nên cho trẻ ăn với lượng nhỏ khi nấu chung với các loại thực phẩm khác.
– Theo nghiên cứu thì thịt tôm, thịt cá, thịt vịt, thịt gà sẽ tốt hơn thịt lợn và thịt bò. Thành phần hóa học của thịt vịt rất giống với thành phần này trong dầu ôliu, điều này khiến thịt vịt có lợi cho tim.
– Các chuyên gia chỉ ra rằng thịt có màu nhạt hoặc không có màu, chất béo bão hòa và cholesterol sẽ thấp hơn nhiều so với thịt đỏ. Vì vậy các bà mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thịt cá, thịt tôm hoặc thịt của các loại sò nhiều hơn.
– Bé có thể sẽ không thích ăn các loại thịt khó nhai như thịt vịt, thịt bò, thịt dê, mà thích ăn các loại thịt dễ nhai, mềm như thịt ếch, tôm, lươn… vì vậy bạn nên chế biến sao cho món ăn của bé mềm dễ nuốt sẽ khiến trẻ ăn được nhiều hơn.