Ăn uống là một việc quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là với trẻ em. Vậy ăn như thế nào để có lợi cho sức khỏe và tạo thói quen tốt ở trẻ? Dưới đây là 17 cách ăn uống vừa có lợi cho sức khỏe, lại tạo thói quen tốt mà bạn và con cái có thể áp dụng:
1. Tạo không khí vui vẻ trong khi ăn, là mấu chốt quyết định trẻ ăn uống có ngon miệng hay không. Không nên thường xuyên ép con ăn hoặc trách mắng trẻ trong khi ăn.
2. Thường xuyên thay đổi khẩu vị để trẻ thấy ngày nào cũng có món ăn mới lạ.
3. Cho trẻ cùng tham gia nấu nướng; bởi khi được tham gia, trẻ sẽ thích ăn những món do mình tự chế biến.
4. Không nên ép bé ăn nếu bé chưa đói. Nếu bé không thích ăn một món ăn nào đó, có thể chỉ là tạm thời; cách một thời gian lại cho bé ăn thử xem sao.
5. Nếu bé không thích loại thức ăn nào đó, có thể chọn một loại thức ăn có thành phần dinh dưỡng tương tự để thay thế.
6. Có người lớn hướng dẫn chỉ bảo, nếu không trẻ sẽ ăn uống một cách tùy tiện, thấy thứ gì ngon miệng thì ăn nhiều, những thứ khác dù dinh dưỡng phong phú trẻ cũng không muốn ăn, hoặc vừa ăn vừa chơi.
7. Thông qua thức ăn để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho trẻ. Hàng ngày có thể cho trẻ ăn 10 đến 15 loại thức ăn.
8. Dạy con thói quen ăn chậm: “Ăn một miếng nhai 30 lần, một bữa cơm phải ăn trong nửa tiếng”, cách ăn này rất có lợi cho việc bảo vệ não, giảm béo, làm đẹp và phòng chống ung thư.
9. Ăn rau, hoa quả là chính, thịt cá là phụ. Đây là biện pháp rất tốt để phòng chống bệnh tật.
10. Bữa ăn sáng là “chìa khóa của trí tuệ” đối với trẻ em và cả người lớn.
11. Ăn thanh đạm là biện pháp bảo vệ sức khỏe chủ yếu của bạn cũng như con cái, bao gồm ăn ít muối, ít đường, ít dầu mỡ…
12. Món ăn được chế biến từ thực phẩm tươi sống là tốt nhất, không nên ăn những thức ăn thừa và không được tươi.
13. Ăn uống phải giữ vệ sinh. Trước khi ăn phải rửa tay. Hạn chế việc ăn thức ăn sống.
14. Cho trẻ ăn uống chừng mực trong thời kỳ dậy thì. Nên ăn có giờ giấc, lâu ngày hình thành thói quen tốt, đây là yêu cầu của đồng hồ sinh học trong cơ thể.
15. Quy định cho bé phải ăn hết phần cơm của mình. Nếu bé ăn không hết, một lúc sau bé đói bụng cũng không nên cho bé ăn vặt.
16. Không “thuê” con ăn cơm bằng phần thưởng. Người lớn phải chú ý hướng dẫn cho con những cử chỉ, động tác trong khi ăn uống như thế nào là lịch sự.
17. Không cho bé ăn vặt suốt ngày, nhất là những thức ăn không có lợi cho sức khỏe.