Ăn vặt, bỏ ăn sáng, nghiền nước ngọt, snack,… đều là những thói quen ăn uống không tốt dẫn đến chứng béo phì ở trẻ em và thiếu niên. Một vài nguyên tắc sau đây sẽ trang bị kiến thức cho các bà mẹ đang chăm sóc con trong độ tuổi phát triển này.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 4 – 17 tuổi
Lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể trong độ tuổi này cần được đảm bảo đầy đủ về năng lượng, tương đương 1.750 – 2.500 calo. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi tuỳ theo độ tuổi, thể trạng và các hoạt động thể chất của từng em.
Khẩu phần ăn hằng ngày của các em cần chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: protein (11-15% tổng lượng calo cung cấp hàng ngày), gluxit (50-55%), và lipit (30-35%), ngoài ra, các loại vitamin và khoáng chất cũng là thành phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, việc áp dụng theo các chỉ số mơ hồ này lại không phải là điều dễ dàng. 6 mốc sau đây sẽ giúp bạn có được những kiến thức cơ bản khi chăm sóc con trẻ trong độ tuổi này.
Những nguyên tắc cần nhớ
1. Ít nhất một chế phẩm từ sữa mỗi ngày: Tương đương với 2 hũ sữa chua.
Ở các bé gái, việc cung cấp đủ can-xi cho cơ thể có tác dụng ngăn chặn nguy cơ mắc phải chứng loãng xương. Hệ xương sẽ dừng phát triển khi ở độ tuổi 20, vì thế, ngay từ tuổi thiếu niên, hãy cung cấp một lượng can-xi nhiều nhất có thể!
2. Một phần protein động vật ngày
Cụ thể hơn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, mỗi ngày, một em bé 3 tuổi cần được bổ sung 40gr protein (từ thịt, cá hoặc trứng) và cứ thêm một tuổi thì lượng protein cần cung cấp cho cơ thể tăng thêm 10gr. Như vậy, trẻ 4 tuổi cần 50gr, 7 tuổi cần 80gr, 9 tuổi cần 100gr…
3. 5 phần hoa quả và rau xanh mỗi ngày
Một “phần” tương đương khoảng 80gr hoa quả và rau xanh mỗi ngày, cụ thể là:
- 1/2 đĩa rau củ chín hoặc 1 đĩa nhỏ hoa quả tươi hoặc 1 bát súp rau củ.
- 1 quả họ táo, lê, cam hoặc 2 quả họ mơ, quýt, kiwi hoặc một vài quả dâu, sơri, vải…
4. Tinh bột trong tất cả các bữa ăn
Bánh mỳ, bột nhào, cơm tẻ, rau củ khô hay khoai tây đều giàu tinh bột, rất cần thiết cho cơ thể trẻ.
5. Hạn chế đồ ngọt
Bạn chỉ nên cho trẻ ăn nhiều các loại bánh kẹo và đồ ngọt khác vào dịp đặc biệt. Ngày thường, bạn không nên dự trữ chúng để thỉnh thoảng trẻ “nhâm nhi”. Thói quen này thật sự không tốt đối với sức khỏe của các em. Ngoài ra, để tránh cho trẻ nguy cơ mắc các bệnh như béo phì hay sâu răng… bạn cũng không nên cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt và đồ uống có ga.
6. Tạo thói quen uống đủ nước
Đây là loại đồ uống duy nhất có lợi cho cơ thể (mà không gây bất cứ một “tác dụng phụ” nào). Tuyệt đối không nên cho đường vào nước để đánh lừa vị giác của trẻ, bạn nên phân biệt chúng một cách rạch ròi.
Lưu ý cuối cùng, đồ ăn nhanh (fast-food) là loại thực phẩm bạn nhất thiết không được để trẻ quá lạm dụng. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là buộc trẻ phải “tẩy chay” loại thực phẩm hấp dẫn này. Một suất đồ ăn nhanh với khẩu phần phù hợp có thể được lặp lại sau 3-6 tuần.