Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 50% trẻ em dưới 2 tuổi bị thiếu máu, thiếu sắt.
Trẻ bị thiếu máu sẽ bị chậm phát triển tâm thần vận động, giảm khả năng miễn dịch và khi đến tuổi đi học trẻ sẽ bị giảm khả năng phát triển về ngôn ngữ, vận động, các hoạt động phối hợp và giảm chỉ số IQ từ 5 – 10 điểm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu thiếu sắt là do chế độ dinh dưỡng cung cấp thiếu chất sắt.
Sự hấp thu sắt bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một yếu tố quan trọng là dạng của sắt trong thức ăn. Heme là thành phần chính của huyết sắc tố để cấu tạo nên hồng cầu. Sắt ở dạng heme có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật và dễ được hấp thu hơn là sắt không ở dạng heme có nguồn gốc thực vật.
Cho trẻ ăn đa dạng giúp tăng hấp thu sắt. |
Thức ăn giàu sắt ở dạng heme bao gồm các loại hải sản như nghêu, sò huyết, tôm, cá… các loại phủ tạng động vật như gan heo, gan gà, gan bò. Nên cho trẻ ăn đầy đủ các loại thực phẩm nói trên và các loại thịt bò, thịt gà, trứng để trẻ được bổ sung sắt đầy đủ.
Một số loại thức ăn giàu sắt không ở dạng heme như bột ngũ cốc, đậu tươi nấu chín, hạt bí đỏ, mật đường, các loại rau xanh như rau muống, măng tây… Sự hấp thu của sắt không ở dạng heme có thể được làm tăng lên khi được ăn kèm những thức ăn chứa sắt ở dạng heme trong cùng một bữa ăn. Ngoài ra, những chất làm tăng hấp thu sắt cũng có thể giúp tăng hấp thu sắt không ở dạng heme. Cần chú ý tránh ăn chung với những thức ăn có tính ức chế sự hấp thu sắt.
Nên ăn nhiều chất làm tăng hấp thu sắt như thịt cá, gia cầm, các loại trái cây: vitamin C, cam, dưa đỏ, dâu, nho, các loại rau: bông cải xanh, cà chua, khoai tây, tiêu xanh và tiêu đỏ… Chất làm giảm hấp thu sắt là rượu vang đỏ, cà phê, trà, các loại củ dền, củ cải, sản phẩm từ đậu nành.
Việc chọn một chế độ dinh dưỡng gồm những thực phẩm giàu chất sắt có thể giúp bé phòng tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ với những thức ăn giàu chất sắt mà vẫn thấy trẻ xanh xao, cần đưa trẻ đi khám bệnh để tầm soát các nguyên nhân như nhiễm giun móc, viêm loét dạ dày, rong kinh ở tuổi dậy thì hoặc thiếu máu bẩm sinh di truyền.
Các bà mẹ trong gia đình cần quan tâm đến thành phần dinh dưỡng của bữa ăn cho trẻ. Cho trẻ ăn đa dạng, thay đổi món, bổ sung rau, củ quả đúng cách. Tránh làm cho trẻ chỉ ăn một vài món ưa thích khiến mất cân bằng vi chất trong khẩu phần ăn, gây ra các bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
ThS Nga Anh