Chuyện ăn uống của con vốn vẫn là vấn đề “thời sự” nóng của các bậc làm cha mẹ, trong đó phổ biến là trẻ không chịu ăn hoặc “kén cá chọn canh” khiến họ đau đầu và lo lắng.
Câu hỏi nhiều ông bố bà mẹ đặt ra, làm sao để trẻ ăn ngon miệng?
Khi trẻ ăn ngon miệng, trẻ sẽ thích ăn, hào hứng với ăn uống, ăn được nhiều và đa dạng thức ăn, từ đó trẻ sẽ phát triển tốt.
Nếu trẻ nhà bạn đang ăn kém, biếng ăn, hãy tham khảo những quy tắc này, đôi khi cha mẹ phải linh động áp dụng, có khi chỉ áp dụng được một, có khi phải áp dụng tất cả các quy tắc.
Quy tắc 1
Ưu tiên những món trẻ thích. Khi trẻ đã không thích ăn thì bạn cần phải càng chiều theo ý trẻ để trẻ dễ dàng chấp nhập. Không nên ép trẻ ăn theo ý cha mẹ vào lúc này. Ngay cả khi đã cho trẻ ăn món trẻ thích, nhưng khi trẻ không muốn ăn nữa với biểu hiện là ngậm chặt miệng, khóc, nhè, lắc đầu… thì bạn cũng nên dừng cho ăn, vì càng ép, bạn đã vô tình khiến trẻ ghét thêm một món và càng không thích ăn nữa.
Ngoài ra, với cùng món trẻ thích, bạn hãy chế biến thành nhiều món khác, thêm thắt thêm một ít nguyên liệu khác để bổ sung thêm chất cho trẻ. Ví dụ, nếu trẻ thích ăn thịt heo nấu cà rốt, cũng là món đó nhưng bạn cho thêm tí xíu hành lá, hoặc cho thêm ít bắp cải thái nhỏ…
Khi trẻ ăn ngon miệng, trẻ sẽ thích ăn, hào hứng với ăn uống
Quy tắc 2
3 không: Không ti vi, không đi rong, không đồ chơi. Thói quen này cần thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Một người mẹ chia sẻ: “Nếu trẻ chưa từng được ăn phải xem ti vi, được chơi đồ chơi, được đi rong thì làm sao biết giờ ăn là phải như thế. Tất cả đều do người lớn tạo thói quen”. Nhưng nếu nhà bạn đã “trót”, tuy khó tạo thói quen này nhưng cũng không phải là không thể.
Mỗi ngày tập một vài phút. Khi bắt đầu cho trẻ ăn, hãy áp dụng, đến khi nào trẻ không chấp nhận ăn “suông” như thế thì có thể thỏa hiệp. Cứ thế dần dần, “thừa thắng xông lên”. Tuy nhiên, giai đoạn này trẻ đang chán ăn, bạn cần thực hiện nhanh khi trẻ còn đang đói hoặc đang muốn ăn để trẻ hợp tác và tập trung vào việc ăn hơn. Bữa ăn chỉ nên kéo dài 15 – 30 phút mà thôi.
Quy tắc 3
Chất còn hơn lượng. Với trẻ đã chán ăn thì không mong gì trẻ sẽ ăn hết phần cháo/bột, nếu cố ép thì sẽ uổng công vì trẻ sẽ nôn trớ ra hết. Do đó, khi chế biến món ăn, cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất tinh bột (cơm, mỳ, khoai…), đạm (thịt, cá, đậu phụ…), vitamin và khoáng chất (rau, củ…) và chất béo (dầu ăn, mỡ…). Dù trẻ chỉ ăn vài thìa, nhưng trong những thìa đó cũng đã bảo đảm đủ các chất cho trẻ.
Quy tắc 4
Mackebe (Mặc kệ bé). Làm cha mẹ, thật khó có lòng dạ nào “bỏ đói” trẻ, tuy nhiên chỉ có lúc đói, trẻ mới có thể chấp nhận ăn. Bạn hãy giãn giờ ăn của trẻ ra thêm một giờ nữa, tuyệt đối không cho ăn quà vặt, trái cây gì (có thể uống ít nước lọc) rồi hãy cho trẻ ăn. Và nhớ, khi nào trẻ không muốn ăn nữa thì cũng dùng cho ăn.
Quy tắc 5
Cho trẻ tự bốc. Trẻ khóc toáng hay tìm cách lẩn tránh ăn khi thấy bát cháo, chén bột, thìa, ghế ăn. Bạn hãy thay đổi chiến lược xem sao. Nếu trẻ chưa thể bốc ăn được, bạn hãy cho trẻ ăn bằng ngón trỏ (bạn quẹt bột/cháo vào ngón tay và cho trẻ ăn, nhưng nhớ giấu chén bột/cháo đi). Với trẻ đã có thể sử dụng tay, bạn hãy để trẻ tự do dùng tay bốc thức ăn. Tuy nhìn khá lem nhem, nhưng trẻ sẽ thích thú và hào hứng ăn.
Quy tắc 6
Trợ giúp từ bên ngoài. Theo TS. Hoàng Kim Thanh (Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) đôi khi thiếu kẽm, thiếu các men tiêu hóa cũng có thể làm trẻ ăn ít, chán ăn. Vì kẽm tham gia điều hòa vị giác và có trong thành phần của men tiêu hóa.
Do vậy khi cơ thể thiếu kẽm thì vị giác của trẻ sẽ giảm, làm trẻ không nhạy cảm trước những món ăn nên dù tươi ngon mấy cũng không tạo giảm giác ngon miệng. Hơn nữa men tiêu hóa chứa kẽm bị giảm sút, năng lực tiêu hóa yếu đi, cũng sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị.
Để phòng ngừa thiếu kẽm, các bậc cha mẹ nên động viên trẻ ăn những thức ăn chứa nhiều kẽm như thịt nạc, cá, trứng, đậu, tím, bầu dục…
Các men tiêu hóa giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, làm cho trẻ mau đói, muốn ăn và ăn ngon miệng.
Tuy nhiên, việc bổ sung kẽm hay men tiêu hóa qua đường thuốc cần có ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý bổ sung cho trẻ.