Với những hướng dẫn thực tế và nhiều lựa chọn dưới đây, bé yêu của bạn sẽ nhanh chóng trở thành một người thực sự “sành ăn” đồng thời có một cơ thể khỏe mạnh.
Những thời điểm quyết định
Những thực phẩm và hương vị mà trẻ tiếp xúc trong năm đầu đời đặc biệt quan trọng, là tiền đề hình thành nên thói quen ăn uống của trẻ sau này. Muối và đường cần tránh tuyệt đối trong năm đầu tiên. Điều này sẽ giúp bé hào hứng với hương vị tự nhiên của hoa quả, rau, ngũ cốc và các loại đậu đỗ.
Giai đoạn quan trọng tiếp theo, có tính chất định hướng là thời điểm khi trẻ cai sữa và ăn cùng gia đình. Nếu bé được ăn đa dạng, cân bằng và thói quen ăn uống của mọi người trong nhà không “kén cá chọn canh” thì chắc chắn thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe sẽ được duy trì và củng cố.
Bí kíp thành công
Nếu các loại bánh kẹo, bim bim, nước ngọt đóng lon/chai… thường xuyên hiện diện trong nhà thì cũng thật khó từ chối khi bé hỏi xin. Vậy nên, để giảm bớt sức cám dỗ từ những thực phẩm này, tốt nhất là nên cất kỹ hoặc không mang những thực phẩm này về nhà.
Nếu có anh chị lớn (được phép uống nước ngọt, nước quả đóng chai, ăn thực phẩm chế biến sẵn, các loại bim bim, khoai tây chiên) thì bạn có thể thuyết phục trẻ bằng cách: “Khi nào con lớn như anh/chị thì con cũng sẽ được làm vậy” (chú ý là nhấn mạnh vào sự công bằng).
Không đưa bé tới các quán ăn nhanh và bản thân bạn phải ăn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn là các thực phẩm chế biết sẵn thì mới có thể thuyết phục bé thôi “mơ” về những món ăn dòn tan, béo ngậy đầy hương vị, màu sắc kia.
Hãy nói cho trẻ biết tầm quan trọng của việc ăn các món tốt cho sức khỏe và các thực phẩm đó sẽ giúp bé lớn lên khỏe mạnh thông minh thế nào. Câu chuyện cà rốt sáng mắt và sữa tốt cho răng có thể rất hữu ích với các bé trong độ tuổi tập đi nhưng đừng biến thành màn độc thoại “chưa nói đã biết” trong mỗi bữa ăn.
Ngoài ra, bạn có thể cho bé xem tháp dinh dưỡng, giải thích các nhóm thực phẩm trong đó bằng ngôn ngữ vui nhộn. Nếu bé không thích cà rốt thì có thể thay thế bằng 1 thực phẩm khác cũng giàu vitamin A tương tự như bí đỏ, khoai lang…
Không bao giờ “hối lộ” bé trong bữa ăn bằng những lời hứa hẹn sẽ cho kẹo hay bim bim nếu con ăn hết. Thay vì đó hãy khuyến khích trẻ: “Con ăn nhanh, ăn hết sẽ nhanh cao lớn, khỏe mạnh như siêu nhân/ xinh đẹp như công chúa…” hoặc “Ăn nhiều cà rốt sẽ thông minh như bạn Thỏ láu” (tập trung vào những nhân vật, đề tài bé đang “hâm mộ”)…
Một bữa ăn hấp dẫn và tốt cho sữc khỏe phải ngon lành và tạo cảm giác thèm ăn. Vì thế thực đơn cần phong phú, thay đổi từng bữa, đảm bảo tính đa dạng của các nhóm thực phẩm. Các món tráng miệng nên là hoa quả cắt nhỏ, càng nhiều màu càng tốt, có thể cho thêm 1 – 2 thìa sữa chua để thêm hấp dẫn.
Chúc bạn thành công!