Biếng ăn đôi khi chỉ do tâm lý nhưng có khi do một bệnh lý nào đó. Tuy nhiên không dễ phân biệt bởi ở cả hai trường hợp trẻ đều có biểu hiện thường gặp, chẳng hạn như ăn ít, chậm tăng cân, nôn ói.
Mục lục
Biếng ăn ở trẻ là gì?
Biếng ăn là hội chứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, theo ước tính ít nhất 25% trẻ phát triển bình thường có biểu hiện biếng ăn ở giai đoạn nhất định nào đó, đặc biệt trong giai đoạn tập ăn từ 6 tháng đến 3 tuổi.
Nếu phát hiện và điều trị trễ các trẻ biếng ăn do bệnh lý (như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng sữa, rối loạn chức năng nuốt…) sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng và trẻ suy dinh dưỡng nặng. Nhưng nếu trẻ chỉ biếng ăn do tâm lý mà không được tư vấn phù hợp cũng không giải quyết được vấn đề.
Trẻ biếng ăn kéo dài sẽ gây những những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển và thể chất của trẻ sau này. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải nhận biết sớm tình trạng trẻ biếng ăn và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
☛ Đọc thêm: Trẻ biếng ăn kéo dài có nguy hiểm?
Những dấu hiệu gợi ý biếng ăn ở trẻ là do tâm lý
- Biếng ăn có nguyên nhân khởi phát: nói một cách khác triệu chứng biếng ăn xảy ra đột ngột ở những trẻ trước đây vẫn ăn uống tốt, biếng ăn chỉ xuất hiện sau một thay đổi hay một biến cố. Những thay đổi bao gồm chuyển người chăm sóc, chuyển lịch ăn (tăng giảm bữa ăn, bú), chuyển môi trường (đi học), chuyển từ cách ăn này sang cách ăn khác (ví dụ chuyển từ bú mẹ sang bú bình), chuyển ăn lỏng sang đặc… Bên cạnh đó có thể do biến cố, ví dụ như có lần trẻ bị sặc, hay thức ăn quá nóng, hay qua một đợt trẻ bị đau họng đau miệng do bệnh đường hô hấp, mọc răng hay đau bụng do bệnh đường tiêu hóa… Ngược lại, đối với trẻ biếng ăn do bệnh lý thì thường không có mốc thời gian khởi phát đột ngột, mà các triệu chứng thường xảy ra rất sớm ngay khi mới bắt đầu cho bú hay cho ăn giặm.
- Có triệu chứng dọa nôn ói: khi cha mẹ mang thức ăn thường ngày từ xa đến (bình sữa hay chén cháo, chén bột), trẻ thường có biểu hiện không thích bằng nhiều mức độ từ nhẹ như quay mặt đi, lấy tay che miệng, buồn nôn, nôn ói hay thậm chí khóc thét ngay cả khi chưa cho trẻ ăn muỗng thức ăn nào. Ngược lại, ở trẻ biếng ăn do bệnh lý, trẻ không có biểu hiện sợ thức ăn mà có khi thích ăn, nhưng ăn vào bị ói hay chỉ ăn vài muỗng rồi không chịu ăn tiếp.
- Chỉ ăn đơn điệu một số món: trẻ chỉ chấp nhận ăn vài loại thức ăn (ví dụ chỉ chấp nhận ăn trứng mà không chịu ăn cá hoặc thịt, chỉ uống sữa mà không chịu ăn cháo hoặc ngược lại) hoặc chỉ chấp nhận một độ mịn nhất định của thức ăn.
- Cách cho ăn của cha mẹ hay người chăm sóc chưa phù hợp: người lớn thường ép trẻ ăn, phớt lờ cảm giác no của trẻ: vẫn cho trẻ ăn hết chén cháo hoặc bình sữa đã pha dù trẻ từ chối ăn, kéo dài bữa ăn (trên 60 phút), sử dụng biện pháp gây nhiễu liên tục (xem tivi), cho ăn quá nhiều cữ lắt nhắt trong ngày. Ngoài ra biếng ăn cũng có thể do người lớn qua tìm hiểu tài liệu hoặc so sánh cân nặng và lượng ăn của con mình với con bạn bè hay hàng xóm, thấy con mình không nặng bằng, hay không ăn nhiều bằng con người ta nên tăng số lượng và cữ ăn, vô tình dẫn đến biếng ăn ở trẻ.
Nếu trẻ không thuộc nhóm nào trong các nhóm trên, tức là trẻ biếng ăn ngay từ lúc bắt đầu cho bú hay cho ăn dặm, hoặc trẻ nôn ói nhiều không có dấu hiệu báo trước, trẻ biếng ăn toàn bộ thức ăn chứ không chọn lọc một số loại… thì có nguy cơ biếng ăn do bệnh lý. Trường hợp này bắt buộc phải đưa trẻ đi khám và thực hiện các cận lâm sàng thích hợp để tìm và giải quyết nguyên nhân.
Cải thiện biếng ăn tâm lý ở trẻ
Để cải thiện biếng ăn tâm lý ở trẻ, các bạn có thể tham khảo một số cách sau:
Tạo môi trường ăn uống tích cực
Hãy tạo ra một không gian yên tĩnh, thoải mái và không có áp lực khi trẻ ăn. Sự gương mẫu, khuyến khích từ phụ huynh và gia đình cũng rất quan trọng giúp trẻ không bị áp lực tâm lý khi ăn. Phụ huynh hãy tạo ra một môi trường vui vẻ và thoải mái cho trẻ trong khi ăn.
Khám phá các loại thực phẩm mới
Cho trẻ khám phá các loại thực phẩm mới để kích thích sự hứng thú và khẩu vị của trẻ. Mẹ nên tạo ra các bữa ăn đa dạng với các món ăn mới, màu sắc và hương vị khác nhau. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển một khẩu vị đa dạng và khám phá thế giới của thực phẩm.
Cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị thức ăn
Hãy cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị thức ăn. Khi trẻ tham gia vào việc chọn và chuẩn bị thức ăn, bé sẽ có sự quan tâm và hứng thú hơn đối với việc ăn uống. Hãy để trẻ tham gia vào việc lựa chọn các loại thực phẩm, nấu nướng và trang trí món ăn để bé cảm thấy thú vị và có niềm đam mê với việc ăn uống hơn.
Tạo ra một lịch trình ăn uống đều đặn
Thiết lập một lịch trình ăn uống đều đặn với các bữa ăn và thời gian ăn cố định. Điều này giúp cơ thể của trẻ điều chỉnh và phát triển thói quen ăn tốt. Đồng thời luôn đảm bảo rằng trẻ có đủ thời gian giữa các bữa ăn để cảm nhận đói và nhu cầu ăn uống.
Kiên nhẫn và không buộc trẻ ăn
Điều quan trọng nhất cham mẹ cần lưu ý là không áp lực hay buộc trẻ ăn. Hãy kiên nhẫn và lặng lẽ khuyến khích trẻ. Đừng biến ăn uống thành một cuộc chiến áp đặt lên trẻ. Hãy cho trẻ quyền tự quyết định, tôn trọng sự lựa chọn của trẻ.
Trao đổi và lắng nghe
Cha mẹ hãy trao đổi với trẻ về thức ăn, sở thích và cảm xúc của con liên quan đến ăn uống. Nên lắng nghe và tôn trọng quan điểm của trẻ, khuyến khích trẻ chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình về ăn uống.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục biếng ăn kéo dài và bạn lo lắng về sức khỏe của trẻ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và hỗ trợ thêm.
nguyen thuy quynh đã bình luận
con toi duoc 5thang tuoi.nhung chau rat luoi an.chau bu me khong nhieu. Toi cho chau an bot dam.nhung chau cung an rat it. Toi ray lo khi thay chau tang can cham,co thang khong tang can. Xin bac si cho toi loi khuyen phai lam sao de con toi an tot hon? Toi xin cam on.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên chú ý cho bé tắm nắng nhé. Biếng ăn, ra nhiều mồ hôi, ngủ ít, chậm tăng cân là những dấu hiệu của SDD, còi xương. Bạn nên uống Obimin để bổ sung Can-xi và vi chất khác cho bé qua sữa mẹ. Phòng ngủ nên ít người lớn để bé có đủ oxy, ban ngày nên mở cửa để thông thoáng không khí. Có thể khám BS dinh dưỡng để dùng thêm men tiêu hoá hỗ trợ. Chúc 2 mẹ con bình an.